(Tổ Quốc) - Mưa lớn trở lại, kèm theo đó các ngầm tràn nước dâng cao, các đoạn trên tuyến đường 71 có nguy cơ sạt lở lại, nhất là khi có phương tiện cơ giới đi qua khiến công tác tiếp cận cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp nhiều khó khăn.
- 16.10.2020 Cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 Liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng 3
- 16.10.2020 Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Dân xót thương Chủ tịch huyện hy sinh khi tham gia cứu nạn
- 16.10.2020 Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Cần tập trung nhân lực để tìm kiếm, cứu hộ công nhân mất tích tại Rào Trăng 3
- 15.10.2020 Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Đã tìm thấy thi thể tất cả nạn nhân trong đoàn cứu hộ
- 15.10.2020 Bộ Công an điều thêm quân hỗ trợ cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3
Ngày 17/10, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang túc trực ở Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) để chỉ đạo công tác tìm kiếm các công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích. Tuy nhiên, trời vẫn đang mưa, không triển khai cơ giới được nên Sở chỉ huy chỉ yêu cầu tiến hành trinh sát nhằm đánh giá tình hình.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay địa phương đang có mưa lại, bùn lầy khắp nơi, các ngầm tràn nước dâng cao, các đoạn tuyến đã khắc phục xuất hiện 1 số hàm ếch có nguy cơ sạt lở lại, nhất là khi có phương tiện cơ giới đi qua.
"Tuyến đường 71 một số điểm bị sạt lở lại nên đã cản trở tiếp cận bằng đường bộ. Hiện nay 7 đến 10 xe, máy thường xuyên túc trực để chờ thông tin nếu thuận lợi thì tiếp cận bằng cơ giới", ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại Công an tỉnh đang phối hợp với Chính quyền địa phương tiếp cận bằng đường thủy từ bến đò xã Hương Bình, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) đến Rào Trăng 4 để đưa người gặp nạn ra ngoài vùng nguy hiểm đồng thời tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3.
Tuy nhiên, do mưa to làm nước từ suối đổ ra dưới chân đập thủy điện Rào Trăng 4 rất mạnh, cộng thêm gió lớn nên ngày 16/10, công tác cứu hộ đã tạm ngưng triển khai. Đến hôm nay, các đơn vị đang lên kế hoạch cố gắng tiếp cận lại thủy điện Rào Trăng 3. Nhưng do thời tiết bất lợi, việc tiếp cận khá khó khăn, phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ. Mọi công việc đang hết sức khẩn trương và luôn liên lạc sẵn sàng tiếp cận khi điều kiện đảm bảo.
Hiện tại, ở thủy điện Rào Trăng 4 không còn người bị mắt kẹt nhưng còn 10 công nhân ở lại để vận hành nhà máy. Trong khi đó, ở thủy điện Rào Trăng 3 còn 15 trong số 17 công nhân đang bị mất tích sau khi 2 thi thể đã được tìm thấy. Tại thủy điện này hiện đang có 2 xe múc và 1 xe ủi của đơn vị thi công đã được tiếp tế nhiên liệu và đưa lái xe vào vẫn đang triển khai tìm kiếm tại chỗ.
Sáng 17/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức thông báo chương trình lễ tang 13 Liệt sĩ hy sinh trong khi cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) vào ngày 13/10.
Theo đó, lễ tang được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268, Cục Hậu cần (Quân khu 4) đóng tại đường Mang Cá, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian tổ chức: Lễ viếng từ 7h-11h ngày 18/10; lễ truy điệu từ 11h-12h cùng ngày; từ 12h là lễ di quan về các địa phương. Chương trình tang lễ từng Liệt sĩ do mỗi địa phương tự chủ động tổ chức.
Vào ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 13 Liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điên (Thừa Thiên Huế) và ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế vì đã có hành động dũng cảm trong công tác cứu hộ cứu nạn ở Rào Trăng 3./.