(Tổ Quốc) – Tết đến, ai cũng mong được về với gia đình để đón một mùa xuân mới, điều tưởng như bình dị này, nhưng không phải ai cũng có được hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Nhất là với những bệnh nhân phong, vốn cả đời sống với sự mặc cảm, xa lánh.
- 30.01.2019 Dân tình hối hả sắm Tết
- 18.12.2018 Niềm hy vọng sống của những bệnh nhân ung thư
Các thành viên của Câu lạc bộ chung tay Bắc Ninh tổ chức giao lưu văn nghệ, tặng quà cho các bệnh nhân phong nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Sống với tình yêu thương và lòng nhân ái của cộng đồng
Giữa những ngày cuối cùng của năm, khi dòng người còn đang hối hả ngược xuôi, bận bịu với công việc, lo toan, sắm sửa cho Tết, tôi quyết định tìm trở về để thăm lại những bệnh nhân phong đang sinh sống và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh (trước đây gọi là Trại phong Quả Cảm).
Tiếp tôi trong phòng làm việc của mình, bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện cho biết, hiện tại ở khoa phong chỉ đạo tuyến, phục hồi chức năng của Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh có tất cả 83 bệnh nhân, đa phần đều trên 70 tuổi, có một số cụ ngoài 90 tuổi.
Bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc phụ trách bệnh viện Da liễu Bắc Ninh
Tại đây, không chỉ có khu nội trú cho người bệnh mà còn có cả một khu nhà ở dành riêng cho những bệnh nhân phong sinh sống. Hơn 80 con người đều là nạn nhân của căn bệnh phong, khiến họ không chỉ phải chịu đựng những di chứng mà căn bệnh mang lại mà còn trở thành những con người cô độc, không người thân, không gia đình…tất cả đều xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng bệnh phong có thể lây truyền dễ dàng hay đây là căn bệnh di truyền không thuốc chữa…
Tuy nhiên, ngày nay, y học đã chứng minh, bệnh phong không phải là bệnh di truyền. Bệnh phong là bệnh lây nhưng rất ít và khó lây lan, bởi vi khuẩn phong, triệt khuẩn phong ra môi trường thì chỉ tồn tại được vài giờ. Do đó, khả năng lây lan cho người khác là rất ít.
Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Tuấn, hầu hết các bệnh nhân phong tại đây, đều đã điều trị và sinh sống ở tại bệnh viện lâu năm. Có những người đã ở đây tới vài chục năm. Tất cả những bệnh nhân này đã được điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh phong, nhưng do những di chứng của căn bệnh nên người bệnh bị ảnh hưởng tới chức năng hoạt động (cụt chân, tay) và ảnh hưởng tới thị lực (mắt kém).
Hơn 80 con người này, mỗi người một quê, một số phận nhưng hiện tại đều có chung cảnh ngộ đó là di chứng của căn bệnh phong cùng sự cô đơn, không nơi nương tựa lúc tuổi già, xế bóng.
"Trước đây số bệnh nhân phong sinh sống và điều trị tại bệnh viện đông hơn, một số cụ đã mất vì tuổi cao sức yếu nên hiện tại chỉ còn 83 người. Tất cả các cụ đều được UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo mức độ tàn tật, được cấp bảo hiểm y tế. Ngoài ra, một vài năm trở lại đây, khi xã hội có cái nhìn thay đổi về căn bệnh phong, nên ngày càng có nhiều các nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện tới thăm hỏi, tặng quà cho các cụ…vì thế, cuộc sống của những bệnh nhân phong cao tuổi cũng phần nào bớt khó khăn hơn. Thường là cuối tuần và các dịp lễ tết, các đoàn hay đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân ", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Sự thờ ơ, quay lưng của chính những người thân
Theo chân của bác sĩ Tuấn, tôi có dịp quay trở lại khu nhà của những bệnh nhân phong hay theo cách gọi của những người ở đây là khu làng phong. Đây là lần thứ hai tôi đến với nơi này. So với lần trước (cách đó mấy năm), mọi thứ ở đây không có gì thay đổi nhiều. Vẫn những dãy nhà cấp 4 dưới những tán cây xanh mát.
Phần lớn những bệnh nhân phong ở đây đều đã ở độ tuổi ngoài 70
Bác sĩ Tuấn cho biết, hôm nay có đoàn đến thăm và tặng quà cho các cụ, vì thế, nên các cụ tập trung hết trên nhà văn hóa của khu làng phong. Khi chúng tôi đến nơi, cô Nguyễn Thị Xuân – nữ y tá đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với những bệnh nhân phong, đang tổ chức cho các cụ giao lưu văn nghệ với đoàn từ thiện. Những tiếng hát, tiếng cười cùng âm nhạc làm cho bầu không khí của khu làng phong tươi vui, rộn rã so với ngày thường im ắng, vắng vẻ.
Như lời của cô Nguyễn Thị Xuân, đây là đoàn từ thiện của Câu lạc bộ chung tay Bắc Ninh. Đoàn đến thăm, tặng quà và mừng tuổi cho các cụ - những bệnh nhân phong.
"Ở đây là thế, cứ trước Tết thì nhộn nhịp lắm, hết đoàn này đến đoàn khác đến thăm hỏi, tặng quà và động viên các cụ, nhưng trong Tết thì vắng lặng như chùa bà Đanh", nữ y tá Nguyễn Thị Xuân nói.
Nói rồi, cô Xuân lại vội vàng chạy tới để cùng các thành viên trong Câu lạc bộ chung tay Bắc Ninh rà lại danh sách phát quà cho các bệnh nhân phong.
Trò chuyện với tôi, ông Lê Văn Quý, năm nay 76 tuổi cho biết ông là người gốc Hà Nội, nhưng đã điều trị và sinh sống ở đây hơn nửa đời người. Căn bệnh phong đã làm ông cụt nửa bàn chân. "Hiện nay xã hội đã hiểu và cảm thông với những người mắc bệnh phong, không ai kỳ thị. Ở đây, chúng tôi thường xuyên được mọi người vào thăm, động viên…. Vậy mà chính người thân thích, ruột thịt của mình thì lại xa lánh. Mình ngồi vào mâm là có người đứng dậy ngay. Tôi ở đây mấy chục năm rồi, nhưng có ai vào hỏi thăm đâu. Nghĩ làm khó mọi người trong nhà nên tôi ở trong này luôn nhưng nhiều khi nghĩ tủi thân lắm".
Khi đoàn từ thiện đã ra về, các cụ - những bệnh nhân phong đã trở về nhà của mình (phòng của mình), cô Nguyễn Thị Xuân mới lại có thời gian để ngồi với tôi. Cô bảo, những ngày này (gần Tết) thì ở đây bận và vui lắm, vui như Tết ấy. "Cô đã về nghỉ hưu rồi, nhưng xin lãnh đạo được ở lại với các cụ. Bao năm với các cụ rồi, giờ mà về với gia đình thì nhớ các cụ lắm. Lại chuẩn bị đến Tết rồi đấy, giờ thì vui thật, nhưng chiều 30 Tết mà vào đây thì buồn lắm. Các cụ già rồi, chẳng ăn được mấy, sống được mấy nữa, lúc nào cũng chỉ mong có người vào để trò chuyện. Không nói ra, nhưng ai cũng mong Tết có người thân đến thăm hỏi hay được đón về nhà ăn Tết một hai ngày rồi lại vào đây. Vậy nhưng, mong muốn này của các cụ không dễ để thực hiện. Xã hội đã có cái nhìn thay đổi và tích cực về bệnh phong. Nhưng chính gia đình, người thân của bệnh nhân lại chưa thực sự thay đổi quan niệm.", cô Xuân chia sẻ.
Chia tay cô Xuân, chia tay những bệnh nhân phong vốn cả đời mặc cảm, sống lủi thủi xa lánh cộng đồng, xa lánh người thân, tôi bất giác nhớ đến những câu thơ trong Mùa chim én bay của nhà thơ Diệp Minh Tuyền: "Én về én lại xa. Mùa xuân không ở lại. Bên anh em gần mãi. Nên đời vẫn, đời vẫn xuân trào". Mong rằng, mùa xuân sẽ ở lại với những con người kém may mắn này, đừng như cánh én, đưa mùa xuân về rồi lại vội vàng đưa mùa xuân đi./.
Y tá Nguyễn Thị Xuân và những bệnh nhân phong cao tuổi tại khoa phong chỉ đạo tuyến, phục hồi chức năng của Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh