• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mục tiêu của Mỹ về phát triển hậu cần hải quân với Ấn Độ

Thế giới 07/07/2023 10:14

(Tổ Quốc) - Theo Nikkei, việc xây dựng quan hệ đối tác về tiếp tế và sửa chữa trong hải quân sẽ giúp lấp đầy 'khoảng trống lớn' về sự sẵn sàng triển khai của cả hai bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ đang tìm cách đưa Ấn Độ thành một trung tâm tiếp tế và bảo dưỡng các tàu hải quân ở khu vực Nam Á, nơi lực lượng Mỹ đang thiếu khả năng này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng ý thiết lập quan hệ đối tác kinh tế và quốc phòng toàn diện khi ông Modi đến thăm Nhà Trắng vào cuối tháng 6.

"Mối quan hệ đối tác quốc phòng quan trọng giữa Mỹ và Ấn Độ đã nổi lên như một trụ cột của hòa bình và an ninh toàn cầu", tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh viết.

Tập trung vào quan hệ trên biển

Mỹ sẽ hỗ trợ Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng để tiếp tế, sửa chữa và bảo trì tàu và máy bay. "Chúng tôi còn nhiều việc phải làm trong tương lai gần, nhưng mục tiêu ở đây là đưa Ấn Độ thành một trung tâm hậu cần cho Mỹ và các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương," Thiếu tướng Không quân Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên vào cuối tháng Sáu.

Mục tiêu của Mỹ về phát triển hậu cần hải quân với Ấn Độ - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 23/6. Ảnh: AP.

Nằm trong mục tiêu này, Hải quân Mỹ sẽ ký các thỏa thuận sửa chữa tàu với các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ.

Theo Nhà Trắng, Hải quân Mỹ đã đạt được Thỏa thuận sửa chữa tàu với xưởng đóng tàu Larsen & Toubro gần thành phố Chennai của Ấn Độ và sắp hoàn tất các thỏa thuận riêng với hai công ty đóng tàu khác, có trụ sở tại Mumbai và Goa.

Quân đội Mỹ mong muốn tăng cường khả năng sẵn sàng xử lý nhanh các hoạt động tiếp tế và sửa chữa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nếu hải quân Mỹ có quyền tiếp cận nhiều trung tâm hậu cần hơn trong khu vực này, thì tàu thuyền và máy bay của họ sẽ tốn ít thời gian hơn cho các công việc bổ trợ. Thời gian tiết kiệm được có thể được phân bổ cho các cuộc tập trận chung với các quốc gia khác.

Jeffrey Payne, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á, cho biết: "Các căn cứ Mỹ có tại Trung Đông và Tây Thái Bình Dương đều được hỗ trợ từ các trung tâm hậu cần khu vực. Nhưng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương thì chưa. Vì vậy, Ấn Độ đáp ứng nhu cầu này."

Hiện tại, Nhật Bản và Singapore đóng vai trò là các trung tâm hải quân quan trọng của Mỹ ở châu Á.

Harry Harris, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, hoan nghênh các thỏa thuận mới với Ấn Độ.

Ông nói với Nikkei qua email: "Hiện tại, chúng tôi được điều động từ Diego Garcia và Tây Australia ở Ấn Độ Dương. Và việc tiếp cận được một trung tâm bảo trì, sửa chữa và hậu cần là rất quan trọng vì sẽ giúp chúng tôi có sự linh hoạt cần thiết trong khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn."

Hải quân Trung Quốc có khoảng 355 tàu chiến và tàu ngầm và là lực lượng có số lượng tàu lớn nhất thế giới, theo báo cáo thường niên năm 2021 của Lầu Năm Góc về Trung Quốc. Nikkei cũng cho rằng, nếu các tàu Mỹ không thể dành nhiều thời gian hơn tại vùng biển này, thì Mỹ sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau Trung Quốc về năng lực hải quân.

Do Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một vùng biển rộng lớn, nhiều người tin rằng việc tiến hành các hoạt động cung ứng trong khu vực sẽ khó khăn hơn so với các hoạt động tương tự ở châu Âu – nơi có nhiều tuyến đường.

Chuẩn đô đốc Mark Melson, chỉ huy nhóm hậu cần của Hải quân Mỹ tại Singapore, nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 6: "Chúng tôi vẫn đang cố gắng cải thiện khả năng tiếp cận một số khu vực có thể tiến hành tiếp tế, tiếp nhiên liệu và nếu cần, tái vũ trang cho cuộc viễn chinh".

Vị thế mới của Ấn Độ

Ngoài không gian hàng hải, chính quyền của ông Biden cũng có kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ trên nhiều mặt khác. Ấn Độ, với tư cách là đại diện của các quốc gia mới nổi và đang phát triển ở Nam bán cầu, đang có vai trò và tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cộng đồng quốc tế.

Về mặt an ninh, Ấn Độ dường như cũng đã chuyển trọng tâm sang quan hệ với phương Tây. Chuyến thăm của ông Modi tới Washington vào tháng 6 là một minh chứng cho điều này. Tuy nhiên, nền tảng cơ bản trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ vẫn là "quyền tự chủ chiến lược", tập trung hợp tác với các quốc gia khác để tối đa hóa lợi ích quốc gia.

Trong những năm gần đây, Mỹ cũng đã bày tỏ sự không hài lòng khi Ấn Độ tìm cách mua các hệ thống phòng không từ Nga. Liệu mối quan hệ đối tác ngày nay giữa Mỹ và Ấn Độ có hoàn toàn xua tan sự ngờ vực tiềm ẩn đối với Washington hay không vẫn còn phải chờ xem.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ