(Tổ Quốc) - Việc đều có những bất đồng với trật tự do Mỹ lãnh đạo đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.
Một bài viết trên trang The Diplomat gần đây đã đặt ra câu hỏi: Mỹ nên làm gì trước mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn giữa Nga và Trung Quốc?
Theo một nghĩa nào đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có lí do để tin rằng không thể tồn tại một mối quan hệ mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc. Đối với những người tin vào chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế, triển vọng của sự tăng cường hợp tác giữa hai nước lớn, mạnh mẽ và có cả đường biên giới chung dường như khó có thể diễn ra.
Tuy nhiên, theo Vasily Kashin (trong một bài viết về các mối quan hệ quốc phòng của Trung Quốc với Nga cho Channel News Asia), và Robert Sutter (trong một bài phân tích có liên quan trên The Diplomat) thì sự mong đợi lâu nay và niềm hy vọng về một sự tan vỡ giữa Trung Quốc và Nga vẫn chưa xảy ra.
Tiềm năng Nga – Trung phối hợp
Có thể thấy rằng, trong khi mối quan hệ giữa Mỹ lần lượt với Trung Quốc và Nga đã trở nên tồi tệ hơn trong hai năm qua (mặc dù vì những lý do rất khác nhau), thì quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng trở nên gần gũi hơn.
Nga và Trung Quốc đều đang chịu nhiều sức ép từ Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Cây viết Kashin cho rằng, nhiều nhà bình luận đã thổi phồng lập luận về những căng thẳng lịch sử giữa Nga và Trung Quốc. Đối với toàn bộ các hình thái xã hội, như các đế chế, nền cộng hòa, tư bản, cộng sản hay hậu cộng sản, thì sự hợp tác thường phổ biến hơn so với đối đầu. Sự mâu thuẫnTrung - Xô là một ngoại lệ lớn cho điều này, nhưng chúng ta không nên mong đợi ngoại lệ này trở thành quy tắc.
Theo Kashin lưu ý, việc Trung Quốc xa rời Liên Xô là một trong những sự thất bại ngoại giao lớn trong chính sách đối ngoại của Liên Xô. Đối với mối quan hệ quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh, Kashin mô tả việc chuyển giao công nghệ vũ khí là "một sự chuyển giao có chủ ý về vị thế quyền lực công nghiệp quân sự lớn từ Nga sang Trung Quốc."
Trong khi Kashin tập trung vào mối quan hệ quốc phòng, cây viết Sutter vẽ một bức tranh rộng hơn về mối quan hệ song phương, cho thấy Nga và Trung Quốc đã tìm thấy mặt bằng chung chống lại Hoa Kỳ với một loạt các chiến lược. Hai chính phủ đã xây dựng mối quan hệ này một cách từ từ và cẩn trọng, và khi quan hệ giữa cả hai nước này với Washington suy yếu thì sự hợp tác Nga – Trung đặt ra một nền tảng vững chắc trước những thử thách và để điều chỉnh trật tự quốc tế.
Trong khi Sutter đưa ra các lĩnh vực mà Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận, thì cũng đáng để nghiên cứu những điểm vẫn còn mâu thuẫn giữa họ. Trung Quốc hiện tại chưa có nhiều động thái gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài rõ nét thì Nga đang thể hiện sự củng cố quyền lực mạnh mẽ, từ việc sát nhập Crimea, có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc xung đột Ukraine, tham gia chiến trường đang nóng bỏng Syria. Nga và Trung Quốc cũng đã thực hiện các chiến lược khác nhau để bảo đảm lợi ích của họ ở phương Tây.
Chiến lược nào cho Mỹ?
Làm gì trước tình hình này? Một số người đã lập luận rằng việc phân tách Nga và Trung Quốc nên trở thành nguyên tắc định hướng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cũng giống như trong Chiến tranh Lạnh. Và cũng giống như trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ sẽ “ra tay” với bên yếu hơn, lần này là Nga. Một chiến lược loại trừ có thể sẽ được thực hiện nhằm gây áp lực lên bên yếu hơn (Nga) và hướng tới việc tạo ra điểm đứt gãy trong mối quan hệ Moscow – Bắc Kinh; đây là điều mà Hoa Kỳ đã cố gắng trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh.
Còn Sutter thì khuyến nghị Mỹ củng cố vị thế của mình một cách khéo léo hơn trong khi vẫn cố gắng khiến Nga và Trung Quốc không xích lại gần nhau về các vấn đề cụ thể. Từ quan điểm lí luận quan hệ quốc tế, Hoa Kỳ có thể đơn giản chờ đợi mọi thứ và để cho quá trình phát triển sức mạnh của mỗi bên tự thực hiện công việc của mình. Trung Quốc là một quốc gia lớn, ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, trong khi Nga đang gặp khó khăn (dù đã có một số thành công đáng kể gần đây) để duy trì vị thế của mình.
Nhưng quá trình “tự phân tách” này lại phụ thuộc vào những dấu hiệu hay động thái rõ ràng về sự chia rẽ thực sự giữa Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, cả Nga và Trung Quốc đều xem Hoa Kỳ (và trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ xây dựng) là một mối đe dọa lớn hơn nhiều so với mối đe doạ từ nhau. Mỹ cần phải suy tính cẩn trọng về cách các chính sách của họ sẽ tác động đến mối quan hệ Nga - Trung trong tương lai.