(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng ở châu Á, thì một số công ty địa phương có thể "mang" đến một chút hy vọng cho phần còn lại của thế giới về sự thích nghi và khả năng chống đỡ thảm hoạ không phải là điều không thể, khi họ có kế hoạch dự phòng và bảng cân đối phù hợp.
Khi các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tạm thời đóng cửa vào dịp Tết Nguyên đán – ngày 20/1, thì Liu Haili đã tập hợp đội quản lý công ty sản xuất máy bay không người lái của mình - Hydrogen Craft Corporation. Ở thời điểm đó, dù sự bùng phát của một loại virus chưa được biết đến hầu như chưa lan ra toàn thế giới, nhưng ông Liu có linh cảm rằng nó sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng, đe dọa đến sự sống còn của công ty. Hydrogen Craft là công ty bán các loại máy bay không người lái, phục vụ theo dõi các hoạt động đánh bắt cá, đường ống khí đốt, các hành vi gây ô nhiễm bất hợp pháp.
Ông Liu cho biết: "Tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ cần phải điều chỉnh để duy trì hoạt động. Trong một cuộc khủng hoảng như thế này, mối quan tâm hàng đầu của cả nước sẽ là dịch bệnh, do đó bạn phải làm thế nào để đưa hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với sự ưu tiên đó." Hydrogen Craft Corporation đã thực hiện theo hướng đó. Trong vòng 2 tuần, ông Liu và các giám đốc điều hành đã thuyết phục chính quyền thị xã Bình Độ (tỉnh Sơn Đông) thông báo về yêu cầu cách ly bằng cách sử dụng loa gắn trên máy bay không người lái do công ty sản xuất.
Hydrogen Craft đã cân nhắc việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc khử trùng. Nhưng họ nhanh chóng thay đổi quyết định rằng sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các xe đẩy có ánh sáng tia cực tím C, bởi cách này sẽ hiệu quả hơn trong việc làm sạch sân bay và các ga tàu. Ông Liu chia sẻ: "Xe đẩy không phải là sản phẩm cốt lõi, nhưng đó là ‘phao cứu sinh’ của chúng tôi". Ông kỳ vọng sáng kiến này có thể giúp tạo ra khoảng 8 triệu CNY (1,1 triệu USD), đủ để giúp công ty duy trì hoạt động.
Lars Faeste – trưởng nhóm nghiên cứu về các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đại lục ở Boston Consulting Group, nhận định rằng các thách thức về mảng logistics có thể nhanh chóng gây cản trở cho sự thích ứng của các công ty. Ông cho hay: "Bạn sợ hãi, bị vây quanh bởi những suy nghĩ về nguy cơ nhiễm bệnh và liệu có nên yêu cầu mọi người làm việc ở nhà hay không. Nhưng bạn phải chuyển sang hoạt động bán hàng online, điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu và đồng bộ các hoạt động marketing với tình thế mới."
Tuy nhiên, việc các công ty tự lực cũng chỉ có thể hiệu quả ở một mức nhất định. Các công ty ở châu Á gặp khó khăn đã phải phụ thuộc vào sự thông cảm, trợ giúp từ phía các cổ đông, chủ đất và nhân viên.
Ví dụ như, Wu Zhenzhong sở hữu một chuỗi gồm 7 nhà hàng BBQ và đồ ăn nhanh ở Nam Kinh. Trong dịp Tết Nguyên đán, thường là mùa cao điểm khi các gia đình thường đi ăn cùng nhau, thì các cửa hàng của ông phải đóng cửa vì dịch bệnh. Lợi nhuận của năm trước – vốn được chi trả cho cả các nhà đồng sở hữu, hiện được công ty này giữ lại. Chủ đất cũng không yêu cầu họ thanh toán tiền thuê mặt bằng trong 2 tháng và cam kết sẽ hạ giá trong thời gian tới. Nhân viên ở trong thành phố được nhận mức lương tối thiểu và ở ký túc xá miễn phí.
Các công ty lớn hơn có thể gặp khó khăn khi thực hiện những biện pháp tương tự. Faeste đã gợi ý về việc thay thế cấu trúc quản lý thông thường bằng "phòng ứng phó" – nơi các nhà điều hành cấp cao đánh giá và đưa ra những biện pháp đối phó với tình hình dịch bệnh thay đổi hàng ngày.
Việc này có thể áp dụng đối với cả những doanh nghiệp được hưởng lợi tử cuộc khủng hoảng Covid-19. Khi tỷ lệ người dân, trong số 1,4 tỷ người, ở trong nhà cực kỳ lớn, nhà bán lẻ trực tuyến JD.com ghi nhận mức tăng trưởng 260% so với năm trước trong tháng 2 đối với mảng kinh doanh hàng tạp hoá.
Đối với Tang Yishen, trưởng bộ phận này, thì thách thức là phải mua đủ sản phẩm dù quá trình vận chuyển và phân phối trên toàn quốc gặp gián đoạn. Tang chia sẻ: "Các cơ sở giết mổ lợn và gia cầm, bên bán trái cây, nhà chế biến tôm và cá… Sau khi Vũ Hán phong toả, chúng tôi phải giảm thiểu rủi ro. Chúng tôi muốn những sản phẩm đó được giao đến kho nhanh nhất có thể. Đôi khi, các nhà cung cấp không thể đặt được xe vận chuyển, do đó chúng tôi phải đưa xe của mình đến để mang hàng về nhà kho."
Ở châu Á, dù là "nạn nhân" hay được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Covid-19, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, thì họ đều có chung một đặc điểm là nhiều công ty đang ngày càng đánh giá cao tiền mặt.
Samsung Electronics – nhà sản xuất chip, smartphone và màn hình lớn nhất thế giới, đã yêu cầu các nhân viên tại nhà máy ở Ấn Độ, Brazil, châu Âu làm việc tại nhà, trong khi đó các cửa hàng ở Mỹ và Canada đều đóng cửa. Nhà sản xuất ô tô Hyundai phải đóng cửa toàn bộ nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc, trong khi tháng 2 ghi nhận doanh số bán hàng thấp nhất trong 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, 2 tập đoàn này lại nắm giữ lượng tiền mặt lớn và có vị thế mạnh để duy trì hoạt động trong ít nhất vài quý, trước khi phải thực hiện sự điều chỉnh lớn như bán hết tài sản không cốt lõi, theo các nhà phân tích.
Quỹ phòng hộ Elliott Management nhận định, vị thế của họ phản ánh việc không chấp nhận nhiều yêu cầu tăng mua cổ phiếu quỹ và chia cổ tức từ phía nhà đầu tư nước ngoài trong 5 năm qua. Jeong Min Pak – nhà phân tích của Fitch Ratings cho hay: "Nắm giữ lượng tiền mặt lớn thực sự tạo ra sự khác biệt đáng kể."
Nhận định trên thậm chí còn đúng hơn khi nói tới Nhật Bản. Theo to Nicholas Smith – chiến lược gia tại CLSA, hiện tại, 53% công ty thuộc chỉ số Topix, không bao gồm ngành tài chính, sở hữu luồng tiền mặt ròng, trong khi con số này ở châu Âu và Mỹ lần lượt là 15% và 13%. Thậm chí phần lớn các công ty có vốn hóa nhỏ cũng ở vị thế tương tự.
Ông nhận định thêm: "Chỉ vài tuần trước, nhà đầu tư còn tức giận về việc các công ty Nhật Bản không sử dụng lượng dự trữ tiền mặt lớn để mua thêm cổ phiếu quỹ. Còn giờ đây, khối tiền mặt đó lại là thứ đứng giữa họ và một cuộc khủng hoảng tiền mặt."
Tham khảo Financial Times