• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ bất ngờ “rắn”, ra đòn cân não Triều Tiên?

Thế giới 22/05/2018 06:22

(Tổ Quốc) - Trước cuộc gặp giữa hai Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc, Washington đe doạ sẵn sàng rút khỏi thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới.

Ba tuần trước thời điểm dự kiến diễn ra hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên, Tổng thống Donlad Trump có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp từ Hàn Quốc, Moon Jae-in vào thứ Ba (22/5). Hai nhà lãnh đạo sẽ ngồi lại với nhau và cùng tìm ra liệu Bình Nhưỡng có thực sự muốn đàm phán về một thoả thuận giải giáp hạt nhân hay không.

Chuyến công du của ông Moon tới Washington ban đầu được sắp xếp là cuộc gặp để hoàn thiện một chiến lược chung dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kimg Jong-un. Tuy nhiên, giờ đây nó dường như lại trở thành một phiên họp giải quyết khủng hoảng, khi tuần trước, Bình Nhưỡng đe doạ rút khỏi thượng đỉnh Mỹ - Triều, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 12/6 sắp tới tại Singapore.

Chính phủ Hàn Quốc theo đuổi việc khôi phục đối thoại với Bình Nhưỡng, đồng thời nỗ lực thuyết phục Tổng thống Mỹ chấp nhận cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Tuy nhiên, giọng điệu thay đổi bất ngờ của Bình Nhưỡng, khi lên án cuộc tập trận trên không mới đây của Mỹ và Hàn Quốc, cũng như phản đối Mỹ đơn phương thúc đẩy việc từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên – đã khiến Nhà Trắng bối rối.

Trong khi ông Trump khẳng định vẫn cam kết với hội nghị thượng đỉnh, hôm thứ Hai (21/5), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo, Mỹ sẵn sàng “quay đi”, đồng thời cảnh báo Triều Tiên đừng cố gắng tìm kiếm sự thoả hiệp cho những lời hứa mà họ không định tuân theo.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, Mỹ giờ đây mong chờ Tổng thống Moon giúp xác định xem, trong vấn đề phi hạt nhân hoá, liệu ông Jim Jong-un có đang đi theo một lập trường cứng rắn hơn là những gì đã thể hiện với Hàn Quốc trước đó hay không. Còn một số người khác lại e ngại rằng, ông Moon đã đánh giá quá cao sự sẵn lòng đàm phán của Triều Tiên.

Trong khi đó, hai chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Triều Tiên trong hai tháng qua, rõ ràng cũng đã không thể làm rõ những ý định của Bình Nhưỡng.

Hầu hết giới phân tích đều nhận định, sẽ là không thực tế khi tin vào việc Triều Tiên đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình. Nếu hội nghị thượng đỉnh bị huỷ bỏ hoặc thất bại, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào cái gọi là thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ, mà những người ủng hộ ông Trump vẫn kỳ vọng.

Viễn cảnh mờ mịt xuất hiện vào thời điểm quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran đang phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem khiến đụng độ bạo lực bùng phát tại biên giới Israel – Gaza…

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Đòn thử cho Tổng thống Trump?

Trong khi đó, một quan chức khác của Mỹ đánh giá, lời cảnh báo từ Triều Tiên là phép thử của Bình Nhưỡng nhằm xác định liệu ông Trump có sẵn lòng nhượng bộ trong yêu cầu phi hạt nhân hoá hay không.

“Nó là một đòn thử của Triều Tiên mà thôi”, người này nói.

Việc Triều Tiên lên án đề xuất của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton rằng, Bình Nhưỡng nên làm như Libya từ bỏ chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt của mình, được coi là một cách để gây chia rẽ trong chính quyền Mỹ.

Seoul luôn bày tỏ mong muốn một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim vào tháng trước. Tuy nhiên, vai trò của Hàn Quốc đang phải đối mặt với nghi ngờ khi trưởng phái đoàn đàm phán Triều Tiên mới đây đã miêu tả Seoul là “kiêu căng và kém cỏi”.

“Người đứng đầu Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp để đảm bảo một tương lai tương sáng cho Triều Tiên trong trường hợp họ thực sự đồng ý hoàn toàn giải giáp hạt nhân,” Nam Gwan-pyo, một phát ngôn viên của Nhà Xanh tuyên bố.

Ông Trump đã tìm cách xoa dịu Bình Nhưỡng bằng cách đưa ra viễn cảnh về sự phát triển kinh tế, và lời cam kết rằng, an ninh cho nhà lãnh đạo Kim sẽ được đảm bảo trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ cũng kiên quyết yêu cầu những bước đi cụ thể trước khi bất kỳ lệnh cấm vận nào được dỡ bỏ.

“Họ đang bị vướng mắc trước việc không đưa ra quá nhiều thứ cho Triều Tiên ngay từ ban đầu… trong khi Hàn Quốc có vẻ như lại muốn đẩy mạnh những khuyến khích về kinh tế,” Christopher Green, một nhà phân tích của International Crisis Group cho biết. “Vì vậy, cần phải tìm cách trung hoà giữa hai đường lối”.

Trung Quốc cũng có thể đóng một vai trò nhất định. Tuần trước, ông Trump đề xuất Bắc Kinh nhiều khả năng ảnh hưởng đến lập trường cứng rắn của nhà lãnh đạo Kim.

Đáp lại, hôm thứ Sáu (18/5), Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh luôn ủng hộ sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, và thông qua các biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, hôm 21/5, Tổng thống Trump lại yêu cầu Trung Quốc – đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên, tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ