(Tổ Quốc) - Liệu nền hòa bình của Syria có thật sự đạt được nếu các bên ngừng nỗi ám ảnh về việc thay đổi chế độ tại Damascus.
Theo cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa trong Thượng viện Mỹ Jim Jatras, dự định mới của Pháp và Mỹ về một kế hoạch hậu chiến cho Syria có thể coi là một bước tiến đáng mong chờ nhằm hướng tới nền hòa bình lâu dài trong khu vực. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thành sự thật nếu các bên chấp nhận chấm dứt nỗi ám ảnh liên quan đến việc thay đổi chế độ lãnh đạo tại quốc gia Trung Đông.
Thay đổi chế độ lãnh đạo Syria không còn là điều kiện tiên quyết
Hôm thứ Năm tuần trước (13/7), trong cuộc họp báo chung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp đến từ nước Mỹ Donald Trump, hai nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch phát triển một tiến trình giải quyết xung đột Syria thông qua một nhóm liên lạc, bao gồm các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các đại diện từ Damascus. Ông Macron cũng cho biết, Paris không còn “khăng khăng” với điều kiện Tổng thống Syria Bashar Assad phải từ chức, đồng thời nhấn mạnh rằng, tiêu diệt lực lượng khủng bố sẽ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
“Bất kỳ sự sẵn lòng đàm phán với Syria nào từ các cường quốc phương Tây, như Mỹ và Pháp… đều là sự phát triển tích cực,” ông Jim Jatras nhận định. “Điều này đồng nghĩa với điều kiện bắt buộc “phải thay đổi chế độ” đã đi đến hồi kết, và con đường kết thúc chiến tranh có thể bắt đầu hiện ra rõ ràng hơn.”
Ông Jatras tỏ ra đồng tình với tuyên bố của người đứng đầu nước Pháp rằng, Paris không còn nhìn nhận, yêu cầu Tổng thống Bashar Assad phải rời bỏ quyền lực là một phần không thể thiếu trong quá trình thiết lập một giải pháp chính trị toàn diện và bền vững cho Syria.
Tổng thống Bashar Assad trong vòng vây của báo chí (ảnh: Sputnik) |
Tổng thống Trump dường như khá ủng hộ những gì ông Macron phát biểu. Tuy nhiên, Jatras cảnh báo, chính sách của Mỹ vẫn có thể đảo ngoặt nhanh chóng và trở về với lập trường cứng rắn như trước đây trong vấn đề Syria. Theo đó, chính phủ Damascus từ chức là một trong những điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm tại quốc gia Trung Đông.
“Vấn đề là, chúng ta đã từng nghe thấy điều tương tự trước đây. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và thậm chí là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley từng đưa ra những tuyên bố tương tự ngay trước khi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Idlib diễn ra hồi tháng Tư 2017, với kết cục là vụ không kích trả đũa của Tổng thống Trump,” Jatras nhắc lại.
Ngài cựu cố vấn chỉ ra, sau vụ tấn công Idlib, ông Tillerson và bà Haley ngay lập tức đã quay trở lại “giọng điệu” cứng rắn thông thường, một mực yêu cầu Tổng thống Syria phải ngay lập tức từ chức. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu một vụ việc tương tự xảy ra, Tổng thống Pháp có thể thay đổi quan điểm chấp nhận để ông Assad tại vị của mình.
“Liệu Tổng thống Macron có làm điều tương tự [như Mỹ] ngay khi một vụ việc không thể tránh được xảy ra tiếp theo?”, ông Jatras đặt câu hỏi.
Ảnh hưởng của Mỹ và Nga vẫn lớn nhất, đặc biệt với lệnh ngừng bắn mới
Theo Jatras, mặc dù mang tính xây dựng và tích cực, nhưng phát biểu của ông Macron không được phép hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế ra khỏi lệnh ngừng bắn mới, do Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir khởi xướng sau cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg.
“Ngay bây giờ, điều quan trọng nhất trong cuộc chơi chính là thỏa thuận hôm 7/7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga về lệnh ngừng bắn tại tây nam Syria. Nó có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến kết thúc cho cuộc xung đột Syria,” Jatras dự đoán.
Ông nhận định, tại những vùng nằm trong phạm vi quy định của lệnh ngừng bắn, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson dường như đã nhận được sự đồng thuận từ các lực lượng của cả Israel và Iran.
“Lực chọn địa điểm lệnh ngừng bắn tại khu vực biên giới trên cao nguyên Golan cho thấy Mỹ đã phải làm rõ thỏa thuận này với phía Israel. Còn về Nga, Moscow cũng không thể tiến hành nếu không nắm chắc được sự bằng lòng từ Damascus và Tehran,” Jatras lưu ý.
Khả năng cả Israel và Iran đều “bật đèn xanh” cho lệnh ngừng bắn của ông Trump và Putin đã gia tăng hy vọng rằng, thỏa thuận này sẽ kéo dài và trở thành một bước ngoặt cho quá trình thiết lập nền hòa bình lâu dài cho Syria.
“Với việc nhận được sự đồng thuận từ hai đồng minh cứng đầu nhất và lại đang đối đầu nhau, Washington và Moscow có thể sẽ có được cơ hội tốt nhất để kết thúc tình trạng thù địch [giữa các bên]”, chuyên gia về đối ngoại dự đoán.
Ông cũng khẳng định, việc Paris hết lòng ủng hộ cho sáng kiến này rất được coi trọng, nhưng Pháp hay bất kỳ nước châu Âu nào cũng không thể so sánh được với ảnh hưởng của Mỹ và Nga trong tiến trình gìn giữ và thiết lập hòa bình Syria.
“Nếu nước Pháp muốn tham gia vào nhiệm vụ trên, tốt thôi – họ được chào mừng. Tuy nhiên, hãy ngừng giả vờ rằng các nước châu Âu đang giữ những vai trò độc lập trong bất kỳ trường hợp nào,” Jatras kết luận.
Kể từ khi bạo loạn Mùa xuân Arab do Mỹ, Anh và Pháp “chống lưng” nổ ra vào đầu năm 2011, hơn 600.000 người được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm tại Syria.
(Theo Sputnik)