(Tổ Quốc) - Vào ngày 26/10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN trực tuyến - lần đầu tiên sau bốn năm Mỹ có sự kết nối ở cấp cao nhất với khối 10 thành viên.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nói rằng Washington cam kết duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cũng công bố kế hoạch cung cấp 102 triệu USD để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, hướng tới các chương trình kinh tế, khí hậu, y tế và giáo dục.
Đi đầu về an ninh
Mỹ đã không gặp các nhà lãnh đạo ASEAN ở cấp tổng thống kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một cuộc họp ở Manila vào năm 2017. Sự tham dự và phát biểu của ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy rằng Đông Nam Á là ưu tiên cao hơn đối với chính quyền hiện tại. Nhưng ông Biden sẽ cần làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại với khu vực để thuyết phục các nước ASEAN rằng cam kết của Washington đối với Đông Nam Á sẽ là lâu dài.
Washington cũng đang tiếp tục xây dựng quan hệ an ninh với các đối tác truyền thống trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Philippines, đồng thời củng cố quan hệ an ninh với Việt Nam. Siêu cường đứng đầu toàn cầu cũng đang tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông như một động thái đối trọng với hành vi của Trung Quốc ở đó.
Tuy nhiên, sự hình thành của AUKUS - một liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ Vương quốc Anh và Australia - và sự tham gia ngày càng tăng của Mỹ trong khuôn khổ Bộ tứ (với Ấn Độ, Nhật và Australia) cho thấy sự chuyển hướng của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương đặc biệt.
Phản ứng của ASEAN trước những động thái này là không rõ ràng, trong khi một số thành viên lo ngại rằng những sáng kiến này có thể làm suy yếu vị trí trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Bất chấp những lo ngại này, Mỹ vẫn là đối tác an ninh hàng đầu của hầu hết các nước ASEAN.
Tụt hậu về thương mại
Washington đã tụt hậu so với Bắc Kinh trong quan hệ thương mại với ASEAN. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể thương mại song phương với các nước ASEAN thông qua việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc, có hiệu lực vào năm 2010. Năm 2009, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 178,18 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với ước tính 685,28 tỷ USD vào năm 2020. Còn tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Mỹ chỉ tăng từ 148,78 tỷ USD lên ước tính 362,2 tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Cả Trung Quốc và ASEAN đều là một phần của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 30% nền kinh tế toàn cầu. RCEP có khả năng sẽ tiếp tục thu hút ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong ASEAN sau khi có hiệu lực vào năm 2022. Để so sánh, Mỹ chỉ có một hiệp định thương mại tự do với một quốc gia ASEAN là Singapore.
Để tăng cường quan hệ kinh tế với các nước ASEAN và đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, Washington nên tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã cố gắng tăng cường thương mại với khu vực thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do gồm 12 thành viên bao gồm 4 nước ASEAN - Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Nhưng Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2017.
Các thành viên còn lại của hiệp ước đã giữ nguyên phiên bản của thỏa thuận với tên gọi mới CPTPP, có hiệu lực vào năm 2018. Việc gia nhập lại CPTPP sẽ làm tăng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở Đông Nam Á. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ thương mại với bốn nước ASEAN trong hiệp định và có thể mở rộng quan hệ kinh tế với các nước ASEAN chưa tham gia hiệp ước.
Thái Lan, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc và Vương quốc Anh đều bày tỏ quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Việc có thêm Mỹ có thể sẽ làm cho hiệp định thương mại trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước này. Một CPTPP mở rộng như vậy sẽ đại diện cho hơn 45% GDP thế giới, điều sẽ cho phép CPTPP góp phần định hình các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu trong tương lai.
Hiện chính quyền Biden không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ tham gia CPTPP, một phần do môi trường chính trị bảo hộ bên trong nước Mỹ. Thay vào đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ông Biden tuyên bố rằng Washington sẽ bắt đầu thảo luận về khuôn khổ kinh tế khu vực với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong khi các tuyên bố này ra tín hiệu rằng khuôn khổ mới của Mỹ có thể sẽ bao gồm các sáng kiến hợp tác về công nghệ, tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng, thì hợp tác trong các lĩnh vực này đã và đang diễn ra trong khu vực.
Tháng 9 năm 2021, Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP. Nhưng với quan hệ căng thẳng của Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản, Canada và Australia, quá trình gia nhập khó có thể xảy ra sớm.
Dù vậy, việc Trung Quốc thể hiện quan điểm với CPTPP là một động thái ngoại giao khôn ngoan. Điều này quảng bá hình ảnh rằng Trung Quốc ủng hộ hội nhập kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục vắng mặt trong hiệp ước này. Lập trường này đặc biệt có ý nghĩa khi các nước ASEAN có xu hướng coi quan hệ kinh tế quan trọng hơn hợp tác an ninh truyền thống.
Mỹ có thể phải tham gia CPTPP sớm để mở ra một giải pháp kinh tế thay thế cho Trung Quốc và chứng minh cho ASEAN thấy cam kết lâu dài của Washington đối với khu vực. Nếu tiếp tục bỏ qua hiệp định này, Mỹ có thể thấy mình thua sút mặt kinh tế ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.