(Tổ Quốc) - Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang thắt chặt hợp tác quân sự thông qua một loạt sự kiện cho thấy những căng thẳng trong mối quan hệ giữa Washington với Ankara.
Trang Newsweek đưa tin, hôm thứ Sáu (8/3), Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói với hãng thông tấn Anadolu rằng, quân đội nước này sẽ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ trên không S-400 của Nga, vào tháng 10 sắp tới. Theo ông Akar, đây là một động thái để "bảo vệ 82 triệu dân" Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù hợp đồng mua bán giữa Ankara và Moscow đã được ký vào tháng 9/2017, Mỹ từng nhiều lần cố gắng ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO, thực hiện thoả thuận này.
Đầu tuần trước, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino và Tổng Tư lệnh tối cao NATO Tướng Curtis Scaparrotti, đều cảnh báo, Ankara sẽ đánh mất quyền sở hữu các phi cơ tối tân F-35 và các hệ thống khác do Mỹ sản xuất, nếu tiến hành lắp đặt S-400.
Tiếp sau đó, cũng trong ngày 8/3, quyền Thư ký Lầu Năm góc Charlie Summer tuyên bố trước báo giới, "nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận S-400, sẽ có hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ quân sự" giữa hai nước.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong một cuộc họp tại Sochi hồi tháng 2/2019 (ảnh: getty)
Trong những năm gần đây, Ankara đã cố gắng để cân bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối lập tại Syria, vốn cũng nhận được sự "chống lưng" từ Mỹ, Israel, Qatar và Arab Saudi – khi cuộc nổi dậy năm 2011 xảy ra, đe dọa sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Nga và Iran. Căng thẳng giữa Ankara và Moscow gần như đạt đỉnh điểm sau khi một máy bay F-16 của Thổ bắn rơi một chiếc Sukhoi Su-24 của Nga ở gần biên giới Syria vào tháng 11/2015 – không lâu sau khi Nga bắt đầu can thiệp vào Syria.
Tuy nhiên, cùng lúc, Mỹ bắt đầu cắt đứt quan hệ với quân nổi dậy ngày càng có xu thế Hồi giáo cực đoan tại Syria, và "bắt tay" với Các lực lượng dân chủ Syria - lực lượng chủ yếu gồm người Kurd, với thành phần chính đến từ Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG). Đáng nói, YPG lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm khủng bố. Các lực lượng dân chủ Syria có thể là lực lượng tiên phong trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm khủng bố IS; tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại cảm thấy người Kurd ly khai đem lại những nguy cơ vô cùng nghiêm trọng.
Mùa hè năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch can thiệp vào Syria, cùng chống lại cả IS và Các lực dân chủ Syria. Khi quân đối lập thất bại trước quân đội chính phủ có sự ủng hộ từ Nga và Iran, ông Erdogan đã tham gia vào cuộc đối thoại ba bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani – một động thái được đánh giá là đã tái định dạng lại bối cảnh cuộc chiến Syria.
Và cuối năm ngoái, quân nổi dậy Syria bị dồn phải thoái lui tới tỉnh tây bắc Idlib. Erdogan và Putin đạt được một thoả thuận hồi tháng Chín, nhằm tránh để xảy ra một cuộc tổng tấn công của quân đội chính phủ vào khu vực hiện có tới hàng triệu tay súng đối lập và dân thường này. Tuy nhiên, giới chức Nga và Syria đã tỏ ra không hài lòng với tốc độ thực hiện cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm thứ Sáu, Ankara thông báo, quân đội Thổ bắt đầu tiến hành tuần tra chung với quân nhân Nga, và gọi đây là "một bước ý nghĩa để tiếp tục lệnh ngừng bắn và đảm bảo ổn định".
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria (ảnh: getty)
Mặc dù Ankara và Moscow có những lập trường rất khác biệt về tương lai chính trị Syria, cả hai dường như đạt nhất trí cao ở cùng một điểm, đó là quân lính Mỹ phải rời đi. Hồi tháng 12/2018, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi Syria, sau khi nói điện đàm với người đồng cấp Erdogan. Có nguồn tin cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết rằng, Ankara có thể đảm bảo được an ninh khu vực.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ đối muốn đối phó lực lượng người Kurd tại Syria, đã làm dấy lên những hoài nghi tại Washington. Do Moscow gây áp lực cho Ankara phải "giải quyết" các tay súng hồi giáo Sunni trong các nhóm vũ trang mà Thổ tài trợ tại Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ phải giải giáp vũ khí và cắt đứt quan hệ với YPG tại các lãnh thổ phía bắc và phía đông mà họ đang kiểm soát.
Nhằm đảm bảo được ảnh hưởng lâu dài trước khi Mỹ rút quân (nhưng theo kế hoạch, vẫn để lại khoảng 400 binh lính), chính quyền Trump đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ, các đối tác Arab và châu Âu đóng góp vào "những khu vực an toàn" ở phía bắc và đông Syria. Tuy nhiên, cho tới nay, tầm nhìn của Washington và Ankara vẫn chưa phù hợp được với nhau. Thêm vào đó, quyết định gần đây của Tổng thống Trump tước bỏ vị thế ưu tiên thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trung Đông cũng không phải là khu vực duy nhất nơi mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành một vấn đề "đau đầu" cho Mỹ. Cũng vào dịp cuối tuần vừa rồi, các tàu chiến của Nga và Thổ đã tiến hành tập trận chung tại Biển Đen, nơi hải quân của Moscow đã bắt giữa ba tàu Ukraine và thủy thủ đoàn hồi tháng 11/2018. Sự kiện này tiếp tục châm ngòi mâu thuẫn mới giữa Nga và Mỹ. Washington đã cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài bố năm chống lại lực lượng ly khai ở miền đông nước này, vốn bị cáo buộc là do Nga "chống lưng".