• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ chậm tiến độ lá chắn tên lửa tại Ba Lan: Đồn đoán sóng gió Đông Âu?

Thế giới 23/03/2018 11:09

(Tổ Quốc) - Các vấn đề kỹ thuật sẽ khiến tiến trình hoàn thiện lá chắn tên lửa của Mỹ tại Ba Lan bị trì hoãn thêm hai năm và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Các vấn đề kỹ thuật sẽ khiến tiến trình hoàn thiện lá chắn tên lửa của Mỹ tại Ba Lan bị trì hoãn thêm hai năm và sẽ hoàn thành vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Ba Lan ngày 22/3 cho biết.

Khu vực xây dựng lá chắn tên lửa Mỹ gần bờ biển Baltic tại Ba Lan là một phần trong hệ thống chắn tên lửa của NATO tại châu Âu, mà khi hoàn tất sẽ bao phủ từ Greenland đến Azores.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết chính quyền Mỹ đã nói với họ về sự chậm trễ trong tiến trình xây dựng tại trạm phòng thủ Redzikowo và đây là trách nhiệm của nhà thầu.

Người đứng đầu cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ (MDA), Tướng Samuel Greaves xác nhận sự trì hoãn này tại buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 22/3.

"Trong khi chúng tôi bị một số chậm trễ trong chương trình xây dựng cơ sở quân sự để triển khai Aegis tại Ba Lan, chúng tôi vẫn kiên định mục tiêu hoàn tất dự án này", Greaves nói.

Nga đã kịch liệt chỉ trích việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại Ba Lan.

Các quan chức thuộc liên minh NATO nói rằng toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa được cho là phải đảm bảo khả năng phòng vệ trước thế tấn công của các quốc gia như Iran và các nhóm như al-Qaeda.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã khiến Nga chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng phương Tây đang tăng cường sức mạnh quân sự tại Đông Âu -khu vực sát sườn với họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Tomasz Siemoniak, từ đảng đối lập Cương lĩnh Công dân (PO), cho biết sự trì hoãn này đồng nghĩa với một tín hiệu thiếu tin tưởng (từ Mỹ) đối với chính phủ Ba Lan cầm quyền.

Washington đã chỉ trích mạnh mẽ đạo luật mà Ba Lan đã thông qua vào tháng 1-  trừng phạt hoặc bỏ tù bất cứ ai lên tiếng cáo buộc Ba Lan dính líu tới nạn diệt chủng người Do Thái do phát xít Đức gây ra trong Thế chiến II (1939-1945) - còn gọi là thảm sát Holocaust.

Mỹ cũng nói rằng họ quan ngại về những hậu quả có thể có "đối với những lợi ích chiến lược và các mối quan hệ hợp tác của Ba Lan".

Ông Siemoniak nói rằng "trong bối cảnh về  luật Holocaust, việc thiếu lòng tin đã trở nên sâu sắc hơn ..." Những lý do kỹ thuật "chỉ là một cái cớ để trì hoãn nó cho đến năm 2020. Tôi tin rằng tình hình này là kết quả của sự suy giảm trong mối quan hệ đồng minh. "

Tuy nhiên, Bartosz Cichocki, Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan, nói với hãng thông tấn PAP rằng không có khủng hoảng nào trong quan hệ Ba Lan -Mỹ, và rằng Mỹ đã thông báo cho Ba Lan về sự chậm trễ này "vài tuần trước khi luật Holocaust được thông qua.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ