(Tổ Quốc) - Mỹ ngày 17/1 đã ra tín hiệu về một sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria – một phần trong chiến lược rộng hơn nhắm tới IS, Assad và Iran.
Mỹ ngày 17/1 đã ra tín hiệu về một sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria – một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), mở đường cho sự rời bỏ quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của Iran.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Rex Tillerson, trong một bài phát biểu tại Đại học Stanford, đã kêu gọi "sự kiên nhẫn" chờ đợi ông Assad từ chức - dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy rằng Nga và Iran vẫn đang hỗ trợ chính quyền Syria và ông Assad chưa muốn rời bỏ quyền lực ngay lập tức.
Chiến lược chính thức của Mỹ về Syria
Được coi như chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Trump về Syria – bài phát biểu của ông Tillerson báo hiệu việc Mỹ sẽ gia hạn và định hình lại nhiệm vụ của quân đội nước này tại đây. Hiện có khoảng 2.000 lính trên chiến trường Syria, lực lượng này từ lâu đã xác định nhiệm vụ chính là tập trung vào cuộc chiến chống IS.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu về chiến lược mới của Mỹ về Syria. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi phần lớn chiến dịch vẫn sẽ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao, Ngoại trưởng Tillerson cho hay: “Để tôi làm rõ cho các bạn: Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria, tập trung vào việc xóa sổ hoàn toàn IS”.
Các quan chức chính quyền Trump, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, trước đây đã tiết lộ một số nội dung của chính sách này, tuy nhiên, bài phát biểu của ông Tillerson là nhằm mục đích chính thức hoá và định hình rõ ràng chiến lược này.
Việc Mỹ ly khai cũng sẽ tạo cơ hội để Iran củng cố vị thế của mình tại Syria, ông Tillerson cho hay.
Tuy nhiên, việc chuyển sang duy trì sự hiện diện lâu dài tại Syria có thể khiến các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn tại đây dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi lực lượng, tranh giành ảnh hưởng và dễ dẫn đến hiểu lầm trong bối cảnh liên minh của ông Assad và phe đối lập đều tìm cách kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ tại Syria.
Về vai trò của ông Assad, ông Tillerson cho hay, tiến trình bầu cử tự do, minh bạch, trong đó có sự tham gia của người dân Syria "sẽ dẫn đến việc ông Assad và gia đình ông ta rời khỏi quyền lực".
"Sự thay đổi có trách nhiệm có thể không diễn ra ngay lập tức như một số hy vọng, mà thông qua một quá trình cải cách theo hiến pháp và những cuộc bầu cử có sự giám sát của LHQ. Và sự thay đổi đó sẽ đến", ông nói.
Một thành viên phe đối lập Syria là Hadi al-Bahra đã hoan nghênh tuyên bố của ông Tillerson nhưng kêu gọi công bố thêm chi tiết. Bahra nói với Reuters rằng đây là lần đầu tiên Washington tuyên bố rõ ràng rằng họ có những lợi ích tại Syria và sẵn sàng để bảo vệ nó.
Tuy nhiên, ông Bahra cũng nói, cần phải làm rõ hơn về cách Washington sẽ thúc đẩy việc thực hiện tiến trình chính trị và làm thế nào họ "buộc chế độ Assad phải chấp nhận một thỏa thuận chính trị dẫn đến việc xây dựng một môi trường an toàn và trung lập cho cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng".
Để lại những kẽ hở
Ngoại trưởng Tillerson cũng nói rằng Washington sẽ tiến hành các hoạt động ổn định tình hình khu vực như xóa bỏ các bẫy mìn và phục hồi các cơ sở hạ tầng cơ bản ở những khu vực không còn thuộc quyền kiểm soát của IS. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng "hoạt động ổn định này" không đồng nghĩa với việc xây dựng một quốc gia lâu dài hay một cuộc tái thiết".
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ "ủng hộ mạnh mẽ" tiến trình do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ để chấm dứt xung đột Syria– điều lâu nay đã bị đình trệ. Ông cũng kêu gọi Nga, một bên ủng hộ chính của Assad, "gia tăng sức ép mới" để chính phủ Syria "tham gia một cách đáng tin cậy " vào các nỗ lực hòa bình của LHQ.
Đặc phái viên LHQ về Syria ngày 17/1 cho biết ông đã mời các đại diện của chính phủ Syria và phe đối lập tới một cuộc họp đặc biệt vào tuần tới tại Vienna.
James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq và từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống George W. Bush, nói rằng mặc dù ông Tillerson đã đưa ra các nội dung bao quát trong chiến lược toàn diện đầu tiên của Mỹ đối với Syria, nhưng ông lại không trả lời các câu hỏi lớn.
Jeffrey – hiện là một thành viên của Viện nghiên cứu Washington về Chính sách Cận Đông, nói: "Nội dung này còn đầy những lỗ hổng như pho mát Thụy Sĩ".
Còn nhiều câu hỏi chính đối với vấn đề Syria mà Tillerson không nêu ra, như thời gian ông Assad sẽ tiếp tục nắm quyền và liệu ông ấy đóng vai trò gì trong mọi quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria, ông Jeffrey cho hay.
Trong bài phát biểu, ông Tillerson cũng hoan nghênh vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xóa sổ IS. Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng hơn sau sự ủng hộ của Mỹ đối với Lực lượng Dân chủ Syria SDF- nhóm dân quân chủ yếu do người Kurd lãnh đạo. SDF là lực lượng chính trong việc xóa sổ IS ở miền bắc Syria cùng với sự trợ giúp của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Liên minh trên vào Chủ nhật đã nói rằng họ đang hợp tác với SDF để thiết lập một lực lượng an ninh 30.000 quân hoạt động tại Syria – khu vực dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Ông Assad đã đáp trả thông tin trên bằng cách tuyên bố sẽ đè bẹp lực lượng mới này, yêu cầu quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Syria. Nga gọi kế hoạch này là một âm mưu phân tán Syria và đặt nước này dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ, trong khi Ankara tuyên bố lực lượng an ninh trên là "một đội quân khủng bố".