• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ có thể dập tắt căng thẳng “bùng nổ” trên bàn nóng Qatar?

Thế giới 12/07/2017 22:38

(Tổ Quốc) - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn nhằm thuyết phục các quốc gia vùng Vịnh kết thúc “chiến tranh lạnh” với Qatar trong vòng đàm phán vào ngày 12/7.

Nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã có mặt ở Qatar để dự các cuộc hội đàm hôm 11/7 nhằm giúp giải quyết căng thẳng giữa quốc gia vùng Vịnh này với các nước láng giềng.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nỗ lực hòa đàm với các quốc gia vùng Vịnh. Ảnh:reuters

Ông Tillerson đã đến Qatar sau cuộc gặp với Quốc vương Sabah Al Ahmed Al Sabah của Kuwait, nước đang đứng ra làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập đối với Qatar vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

4 quốc gia vùng Vịnh đã quyết định trừng phạt đối với Qatar từ ngày mùng 5/6 khi cho rằng Doha đang tiếp tay cho khủng bố. Phía Qatar liên tục bác bỏ cáo bộc này.

Cả bốn quốc gia vùng Vịnh và Qatar đều là các đồng minh của Mỹ. Trong chuyến thăm này, ông Tillerson sẽ có cuộc gặp gỡ với các quan chức của 4 bốn quốc gia vùng Vịnh nhằm nỗ lực hóa giải mâu thuẫn gay gắt từ các quốc gia này với Qatar trong suốt 1 tháng qua.

Trong suốt khoảng thời gian đầu của cuộc khủng hoảng, Ngoại trưởng Tillerson chỉ điện đàm và thúc giục các bên ngồi vào bàn đàm phán. Ông từng kêu gọi các nước láng giềng ngưng cô lập Qatar với lý do nhân đạo.

Ngày 12/7, Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ gửi văn bản thỏa thuận đạt được với Qatar về chống khủng bố tới lãnh đạo của Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain. Tuy nhiên, Saudi Arabia và láng giềng đánh giá thỏa thuận giữa Mỹ và Qatar "chưa đầy đủ". Trong một thông báo hôm 11/7, các nước này cho rằng những cam kết từ phía Doha "không đáng tin".

4 quốc gia vùng Vịnh đã áp lệnh trừng phạt đối với Qatar và cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố cho rằng, hồi đáp của Doha sau khi kết thúc thời hạn thi hành bản yêu sách 13 điều do các nước này đặt ra để chấm dứt khủng hoảng vùng Vịnh là “không nghiêm túc”. Tuyên bố được đưa ra hôm thứ Tư (5/7) trong một cuộc họp báo chung sau khi Ngoại trưởng 4 nước Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập họp bàn về Qatar tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, phản ứng của Qatar “nói chung là tiêu cực” và không “đặt nền móng cho việc đảo ngược các chính sách mà Qatar đang theo đuổi”.

Ông Shoukry chỉ trích, hồi đáp từ Doha thể hiện sự thất bại trong việc nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình.

“Chúng tôi hy vọng sự thông thái sẽ chiếm ưu thế và cuối cùng Qatar cũng sẽ có những quyết định đúng đắn”, ông Shoukry nói thêm.

“Mất niềm tin”

Cả bốn quốc gia vùng Vịnh đều nói rằng, họ đánh giá cao nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến khủng bố. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ.

“Chúng tôi phải kiểm soát các hành động của Qatar trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”, hãng thông tấn UAE cho biết.

Ông Anwar Gargash, Bộ trưởng ngoại giao UAE cho biết, mâu thuẫn này xuất phát từ việc mất niềm tin vào Qatar và biện pháp trừng phạt đối với Doha đều dựa trên sự đồng thuận của cả 4 quốc gia vùng Vịnh.

Qatar đã hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố và các phần tử cực đoan làm suy yếu tính ổn định của khu vực. Hướng giải quyết này có thể không phải là hành động “khéo léo” nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi vì lợi ích của các quốc gia vùng Vịnh”, ông Anwar Gargash cho biết.

Mỹ tỏ ra nhiều lo lắng rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và vô tình làm tăng tính ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Vùng Vịnh vốn là nơi ảnh hưởng quan trọng tới chính sách của Mỹ. Đây là nơi Washington triển khai cuộc chiến chống khủng bố với số lượng lớn binh lính đang đóng quân. Qatar hiện có căn cứ không quân Udeid - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông và là căn cứ quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS tại Syria và Iraq.

Tuần trước, sau khi bộ Ngoại giao Qatar cảnh báo cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh có thể kéo dài, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có ngay thông báo sẽ công du tới khu vực này nhằm đàm phán với các bên.

Truyền thông các quốc gia vùng Vịnh đưa các thông tin chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tại khu vực này.

“Ông Tillerson khó có thể giảm thiểu căng thẳng leo thang hiện tại của các quốc gia vùng Vịnh nhưng phần nào giúp cho khoảng cách của các nước không đẩy đi quá xa”, Nhà báo Abdulrahman al-Rashed, người từng nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc kênhtruyền hình "Al Arabiya News Channel" cho biết.

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ