(Tổ Quốc) -Trung Quốc có thể đạt được nhiều lợi ích kinh tế và chính trị sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
Trung Quốc lợi?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau các tuyên bố lý do muốn mang lại lợi ích việc làm cho người Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và doanh nghiệp.
Tổng thống Trump tuyên bố ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Ảnh:Reuters |
Tuy nhiên, các nghiên cứu (được tài trợ bởi ngành năng lượng mặt trời) cho thấy hiện số người Mỹ làm việc trong ngành này còn nhiều hơn so với số lượng công nhân làm cho các công ty than đá. Và kể cả khi sản lượng than đá khai thác được tăng lên đi chăng nữa, không thể chắc chắn điều đó đồng nghĩa với tăng việc làm. Việc làm mất đi là do tự động hóa. Trong khi đó những nhà môi trường học cảnh báo quyết định của ông Trump sẽ kéo lùi kinh tế Mỹ.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều góp chung thỏa thuận này và quyết định của Tổng thống Trump đã khiến thế giới và cả Mỹ nhiều bất ngờ.
Hiệp định Paris kêu gọi mỗi quốc gia tự đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cho riêng mình. Quyết định này của Mỹ là 1 sự tụt lùi đáng kể về mặt chính trị. Các nước khác có thể theo chân Mỹ hoặc suy nghĩ lại về cam kết cắt giảm khí thải, khiến việc đạt được mục tiêu kiểm soát biến đổi khí hậu khó khăn nhiều hơn.
Thêm vào đó, điều này có nghĩa là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất thế giới – đang từ bỏ vai trò dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Dưới thời Obama, Mỹ đã cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho 1 quỹ quốc tế tài trợ cho những đất nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Tính đến thời điểm Tổng thống Trump chính thức vào Nhà Trắng, mới chỉ có 1 tỷ USD được chuyển đi và ông đã tuyên bố sẽ không tiếp tục chi tiền (dù quyết định cuối cùng là do Quốc hội Mỹ).
Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận này. Nhiều nghi ngờ, Bắc Kinh có thể có lợi tối đa khi Washington chối bỏ Hiệp định khí hậu Paris.
“Khó khăn của Mỹ là cơ hội của Trung Quốc”, ông Li Shuo, chuyên gia chính sách toàn cầu về Đông Á cho biết.
Trung Quốc đã có nhiều cải cách về chính sách môi trường thông qua nỗ lực giải quyết ô nhiễm không khí và giảm nhu cầu sản xuất than.
Sau quyết định từ bỏ của Tổng thống Trump, Trung Quốc có thể gia tăng vai trò tham gia trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đứng đầu trong Hiệp định biến đổi khí hậu thay thế Mỹ.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đầu năm nay. Bắc Kinh dường như đã nắm được ưu thế và thúc đẩy nhiều lợi ích thương mại toàn cầu khi vắng mặt Washington.
Phát biểu vào ngày 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẽ luôn đồng hành cùng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã quyết định duy trì và phát triển Hiệp địnhnày mà không có Mỹ. Sự rút lui của Washington sẽ là cơ hội phát triển kinh tế tiềm năng đối với Bắc Kinh.
“Sự vắng mặt của Mỹ trong cộng đồng kinh tế sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Trung Quốc”, giáo sư Ann Carlson, tại khoa luật môi trường Đại học California, Los Angeles cho biết.
“Các quốc gia vẫn tiếp tục Hiệp đinh khí hậu Paris sẽ là các quốc gia đạt được nhiều lợi ích việc làm và phát triển ngành công nghiệp”, cựu Tổng thống Barack Obama nói sau thông báo quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Trump.
Thay thế vị trí Mỹ?
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Á và có thể sẽ đạt được nhiều thuận lợi khi Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris. Liên minh châu Âu và Trung Quốc đang tiến tới các giải pháp hiệu quả nhằm giảm lượng khí thải carbon thông qua việc phát triển công nghệ xanh và gây quỹ khoảng 100 tỷ đô la đến năm 2020 nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo cắt giảm lượng khí thải, Reuter cho biết.
“Trung Quốc hiện đang tiến tới việc cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn dự kiến”, giáo sư Ann Carlson cho biết.
“Các định hướng ngoại giao mới của Bắc Kinh về vấn đề môi trường có thể thúc đẩy các nỗ lực quốc tế chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đại sứ Trung Quốc cũng liên tục đưa ra cam kết trước Liên Hợp Quốc nhằm kết nối kênh đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Li Shuo, chuyên gia chính sách toàn cầu về Đông Á cho biết
Theo ông Li, đây là một tiến trình và nỗ lực lâu dài. Trung Quốc hiện tại đang tích cực đầu tư vào việc kiểm soát khí hậu và ưu tiên đi đầu trong các chính sách.
“Đây sẽ là khía cạnh mà Trung Quốc chắc chắn sẽ có thể thay thế Mỹ thông qua các nỗ lực về kinh tế và chính trị”, ông Li nhấn mạnh.
(Theo CNBC)