• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ dấy lên hồi chuông: Trung Quốc mở đường tại Bắc Cực

Thế giới 05/05/2019 07:55

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động của họ tại Bắc Cực, đóng tàu phá băng thứ 2 và hướng đến mở rộng dấu chân tại Greenland, theo một báo cáo mới của Lầu Năm Góc.

Tài liệu trên cũng cảnh báo sự hiện diện của Bắc Kinh ở khu vực này có thể dẫn đến việc triển khai các tàu ngầm vũ trang.

Theo ABC News, cảnh báo này được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị tham dự một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bắc Cực, tám quốc gia có lãnh thổ tại đây, và hi vọng sẽ vận động họ đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mục tiêu đa dạng của Trung Quốc tại vùng cực

"Chúng tôi cam kết với sự phát triển hòa bình và kinh tế bền vững (tại Bắc Cực) trong dài hạn và chúng tôi quan ngại về hành động của các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, rằng họ không chia sẻ cùng cam kết trên", ABC News dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, với yêu cầu giấu tên.

Như những năm trước, báo cáo của Lầu Năm Góc đã đánh giá sự phát triển về quân sự và an ninh của Trung Quốc và cách những diễn biến này đi theo các chiến lược dài hạn của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Tài liệu năm nay đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích gia tăng của Bắc Kinh tại Bắc Cực – điều dấy lên hồi chuông cảnh báo các quốc gia cũng có lợi ích tại khu vực này.

Mỹ dấy lên hồi chuông: Trung Quốc mở đường tại Bắc Cực - Ảnh 1.

Tàu phá băng Xuelong di chuyển tại vùng cực tháng 12 năm ngoái. Nguồn: Tân Hoa Xã

Năm 2018, Trung Quốc công bố chiến lược Bắc Cực đầu tiên, tạo ra "Con đường tơ lụa vùng cực" – đề cập đến một mạng lưới các tuyến đường giao thương cổ xưa kết nối Trung Quốc với phương Tây. Chiến lược này cũng tuyên bố Trung Quốc là một "quốc gia gần Bắc Cực".

"Không có định nghĩa nào như vậy trong từ điển của Hội đồng (Bắc Cực)", quan chức cấp cao trên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. "Có những quốc gia Bắc Cực và những nước phi Bắc Cực. Tám nước Bắc Cực đang tiến hành quản trị Bắc Cực và chúng tôi bác bỏ những nỗ lực của các nước phi Bắc Cực tuyên bố vai trò trong tiến trình này".

Theo báo cáo trên, lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Kinh là đa dạng nhưng tập trung xung quanh mong muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo các tuyến đường biển ở khu vực này. Khi nhiệt độ Trái đất đang ấm lên do biến đổi khí hậu, băng tan nhanh hơn ở Bắc Cực mở ra những tuyến đường vận tải mới. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cảnh báo sự hiện diện của Trung Quốc ở đây có thể kéo theo sự triển khai tàu ngầm như "một sự răn đe đối với các cuộc tấn công hạt nhân".

Trợ lí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách quan hệ an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Randall Schriver nói với phóng viên hôm thứ 6 rằng Lầu Năm Góc sẽ theo dõi liệu Bắc Cực "có trở thành một điểm tiếp cận cảng an toàn cho các tài sản chiến lược (của Trung Quốc) như tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo hay không".

"Đó là một khả năng trong tương lai và là một điều cầu theo dõi sít sao", Schriver nói.

Vận động Hội đồng Bắc Cực

Ông Pompeo sẽ thúc đẩy các nước trong Hội đồng Bắc Cực có hành động giải quyết quan ngại này, cùng với nhiều vấn đề khác, và giữ Trung Quốc nằm ngoài tầm ra bất cứ quyết sách nào.

Nhưng ông ấy có thể bị phân tâm về sự bất đồng giữa các bên đối với biến đổi khí hậu. Chính quyền Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris, nhưng các thành viên khác đang thúc đẩy một tuyên bố chung hướng tới công nhận các cam kết mà họ đã thực hiện để chống biến đổi khí hậu trong hiệp định lịch sử này.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các cuộc thảo luận đó, nhưng một quan chức cấp cao khác nói với các phóng viên: "Khi chúng tôi không đồng ý với các đồng minh và bạn bè của mình, chúng tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với họ về vấn đề này và đó là điều chúng tôi đang làm trong Hội đồng Bắc Cực".

Quan chức này phủ nhận rằng bất kỳ mâu thuẫn nào về biến đổi khí hậu sẽ làm sao lãng mục tiêu đoàn kết chống lại các bước đi của Trung Quốc tiến vào khu vực.

Anne-Marie Brady, tác giả của một cuốn sách về vai trò của Trung Quốc tại Bắc Cực và biên tập viên điều hành của Tạp chí Polar, đã chỉ ra trên Twitter rằng Trung Quốc đã có tầm nhìn về Bắc Cực trong hơn nửa thế kỷ. "Nếu các tàu ngầm Trung Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân có thể tiếp cận Bắc Băng Dương mà không bị phát hiện, điều này sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, củng cố vị thế của Trung Quốc tại Đông Bắc Á/ Đông Nam Á, sẽ củng cố vị thế của một cường quốc quân sự và lãnh đạo toàn cầu", bà tweet.

Việc triển khai tàu ngầm này chỉ là một phần trong chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc.

Năm ngoái, tàu nghiên cứu phá băng Xuelong của Trung Quốc, một tàu Ukraine chế tạo và do Trung Quốc vận hành, đã hoàn thành chuyến thám hiểm Bắc Cực thứ chín. Và vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ chế tạo tàu nghiên cứu phá băng trong nước đầu tiên, Xuelong 2, có thể xuyên qua lớp băng dày tới khoảng 5 feet. Xuelong 2 cũng sẽ là tàu nghiên cứu vùng cực đầu tiên có thể xuyên qua băng khi di chuyển tiến hoặc lùi, Lầu Năm Góc cho biết.

Trong khi Trung Quốc đã có các trạm nghiên cứu ở Iceland và Na Uy, quốc gia này đang tìm cách mở rộng dấu chân của mình vào Greenland với một trạm vệ tinh mặt đất, sân bay được cải tạo và các hoạt động khai thác. Những tham vọng đó đã báo động Đan Mạch - vì Greenland là một lãnh thổ của Đan Mạch – khi Đan Mạch bày tỏ công khai mối quan ngại với lợi ích của Trung Quốc tại đây.

Và các nhiệm vụ của tàu phá băng của Trung Quốc cũng không nhận được sự hỗ trợ từ Nga, một quốc gia khác có tham vọng lớn ở Bắc Cực. Nga phản đối tất cả các tàu phá băng nước ngoài hoạt động ở tuyến đường biển phía Bắc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ