(Tổ Quốc) - 2018, Trung Quốc là đối tượng chính của cuộc phản kích thương mại từ phía Mỹ.
Năm 2018, chính quyền Trump sẽ biến những mối quan tâm thành hiện thực nhằm giảm thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với những nước xuất siêu chủ yếu sang Mỹ. Sự tách biệt các vấn đề an ninh quốc gia và thương mại có thể là đặc trưng của chính sách đối ngoại dưới chính quyền Trump; chưa có dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ rút nước Mỹ khỏi WTO, ít nhất trong năm 2018, nhưng chủ nghĩa đơn phương thương mại mang tính bảo hộ sẽ vượt lên trên những quy tắc lâu nay mà các đối tác của Mỹ đã vận dụng để xuất siêu sang Mỹ.
Trung Quốc là đối tượng phản kích chính
NAFTA sẽ được đặt lên bàn thương lượng một cách ráo riết nhất. Tuy nhiên, vào năm diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ, các nhà chính trị Mỹ sẽ cân nhắc những nguy cơ đổ vỡ của liên minh thương mại này. Trong chừng mực đáng kể, ngành lập pháp Mỹ sẽ sử dụng quyền lực của mình để tác động đến việc xử lý các tranh chấp NAFTA. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản không có được sự chống lưng mạnh như vậy ở Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc là đối tượng chính của cuộc phản kích thương mại từ phía Mỹ, được sự ủng hộ của cả Dân chủ và Cộng hòa.
Trung Quốc lôi cuốn Nhật Bản và Hàn Quốc vào tập hợp lực lượng tay ba có thể làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. |
Chính quyền Tập Cận Bình sẽ gặp một năm khó khăn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế tại Trung Quốc khi nước này bước vào thời đại kinh tế, chính trị mới và khi họ bắt tay vào giai đoạn quan trọng của cuộc tái cấu trúc về kinh tế. Lúc này, nền kinh tế Trung Quốc đã bị mất động lực; đầu tư vào tài sản cố định, vốn là nền tảng của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, tiếp tục suy giảm trong năm 2018.
Quyền lực chính trị của ông Tập ít bị thách thức tạo ra nhiều kỳ vọng, nhưng ông cũng không dễ gì ngăn chặn các thất bại và kém hiệu quả khi đưa chính sách vào cuộc sống. Môi trường kinh tế đối ngoại của Trung Quốc đang trải qua những thay đổi to lớn, tăng áp lực lên nền kinh tế nước này.
Từ khi gia nhập WTO năm 2001, ĐCS Trung Quốc đã tận dụng những cởi mở của hệ thống thương mại toàn cầu và các ảo tưởng chính sách của các chính quyền Mỹ muốn sử dụng các hỗ trợ kinh tế, khoa học công nghệ để “chuyển hóa” Trung Quốc, đã đưa đất nước này trở thành công xưởng thế giới, nhưng lại hạn chế mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc, trong khi trợ cấp xuất khẩu và cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng vướng nhiều cáo buộc cạnh tranh thương mại “không bình đẳng”.
Năm 2017, Mỹ hạn chế các biện pháp thương mại chống Trung Quốc trong phạm vi chống bán phá giá. Năm 2018, phạm vi này sẽ mở rộng hơn.
Chính quyền Trump sẽ sử dụng WTO khi cần thiết, nhưng chủ yếu là các biện pháp bảo vệ thương mại đơn phương để đối phó Trung Quốc. |
Hai mũi nhọn của cuộc công kích thương mại của Mỹ chống Trung Quốc, được đặt nền móng từ năm 2017: Thứ nhất, Mỹ mở các cuộc điều tra việc thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974. Thứ hai, Mỹ xem xét những lo ngại về an ninh quốc gia đối với ngành công nghiệp thép theo Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Các hành động cụ thể sẽ được thực hiện trong 12-18 tháng tới. Mỹ sẽ thách thức Trung Quốc về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dựa vào các quy định của WTO. Nhưng Mỹ sẽ chú trọng đến những hành vi của Trung Quốc ngoài phạm vi WTO, liên quan đến các ngành thép, sản xuất ô tô, điện tử, và sẵn sàng bỏ qua vai trò WTO bất kỳ khi nào có thể.
Ở khía cạnh khác, Mỹ sẽ phối hợp với EU để cản phá đòi hỏi của Trung Quốc được công nhận trạng thái kinh tế thị trường. Trung Quốc đã kiện cả Mỹ và EU lên WTO. Khi rời cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, ông Trump từng tuyên bố, một quốc gia sẽ không được công nhận là nền kinh tế thị trường nếu thực thi cạnh tranh không bình đẳng. Phán quyết tranh chấp Trung Quốc – EU có thể được công bố vào đầu năm 2019. Nếu thua kiện, Mỹ và EU có thể vẫn không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Các nước phương Tây giám sát chặt chẽ hơn đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ cao.
Về phần mình, ngoài kiện lên WTO, để hạn chế thiệt hại, Trung Quốc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu nhiều sản phẩm giá trị cao. Trung Quốc cũng hứa hẹn mở cửa thị trường tài chính, dịch vụ, sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo. Bắc Kinh cũng thúc đẩy tập hợp lực lượng thông qua RCEP, Nhất đới Nhất lộ (BRI) và lôi cuốn Nhật Bản, Hàn Quốc vào tam giác kinh tế thương mại Đông Bắc Á, vào lúc hai nước này đứng trước sức ép bảo hộ mậu dịch từ phía Mỹ, cũng như lo ngại về một vai trò không đáng tin cậy của Mỹ đối với an ninh của họ.
Những liên kết chính trị, kinh tế linh hoạt đang định hình trật tự thế giới 2018 và những năm tiếp theo./.