(Tổ Quốc) - Kinh tế đã trở thành một trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Malaysia, Singapore và Indonesia từ ngày 1-5/8 nhằm quảng bá chiến lược của Mỹ về một vùng “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Tại Malaysia, ông Pompeo đã trao đổi với các lãnh đạo nước này về việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện và các lợi ích an ninh, kinh tế chung. Tại Singapore, ông tham dự các Hội nghị cấp Bộ trưởng của ARF, EAS, Mỹ - ASEAN và Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông, trao đổi với các Ngoại trưởng khu vực về các thách thức an ninh, thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp, củng cố cam kết của Mỹ với các đối tác và đồng minh trong khu vực bao gồm các vấn đề như Triều Tiên, Biển Đông và chống khủng bố.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN. |
Tại Indonesia, ông thảo luận các biện pháp nhằm củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ - Indonesia, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao, thúc đẩy các mục tiêu an ninh, thương mại và đầu tư chung, khẳng định vị thế của Indonesia trong việc hiện thực hóa chiến lược Ấn-Thái.
Khái niệm chính trị và an ninh
Sau 10 tháng, kể từ tháng 10/2017, khi chính quyền Mỹ đưa ra khái niệm kết nối về mặt chiến lược hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (Ấn-Thái) như một chỉnh thể thay cho chủ trương “xoay trục/tái cân bằng” sang châu Á của chính quyền Obama. Người phát ngôn đầu tiên của chiến lược Ấn-Thái là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 18/10/2017, cho biết chính quyền Trump đang tìm kiếm một “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Lúc đó, phát biểu của ông Tillerson chưa gây một tiếng vang lớn, vì ý tưởng liên kết Ấn-Thái không ít lần đã được đề cập. Người cổ vũ mạnh mẽ nhất là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đưa ra khái niệm này từ năm 2007. Đến ngày 10/11/2017, Tổng thống Donald Trump đã cổ vũ cho sự liên kết Ấn-Thái trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC - Đà Nẵng. Ông gọi Việt Nam và Đông Nam Á nằm ở “vùng trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, nêu lên viễn cảnh về "Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương” và kêu gọi “chung tay vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và tự do”, vì một “một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Khu vực Ấn-Thái đã được đưa vào Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, công bố tháng 12/2017, khẳng định “Lợi ích của nước Mỹ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở có khuynh hướng giống với lợi ích nước Mỹ từ những ngày đầu tiên thành lập nền cộng hòa”, khẳng định ASEAN và APEC “là những cốt lõi của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và là nền tảng để thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên tự do”.
Các chương trình kinh tế
Trong khi các nội hàm chính trị và an ninh đã được làm rõ từng bước, điều được chờ đợi là phía Mỹ đưa ra các chương trình hành động cụ thể. Ngày 30/7 vừa rồi, tại Diễn đàn kinh tế do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nêu lên “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, đồng thời công bố một loạt sáng kiến đầu tư ở khu vực này, tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế, năng lượng và cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu USD dựa trên chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Việc triển khai đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở khu vực sẽ được chính phủ Mỹ giao cho một cơ quan được kiến nghị sáp nhập là Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC). Cùng với 113 triệu USD đầu tư trực tiếp của chính phủ, kế hoạch sẽ nhân gấp đôi trần chi tiêu trên toàn cầu cho USIDFC đến 60 tỷ USD để sử dụng cung cấp cho các công ty tư nhân các khoản vay thực hiện dự án ở nước ngoài.
David Bohigan, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Đầu tư Tư nhân tại nước ngoài (OPIC), nhận xét: “Ở Washington người ta đã nhận ra rằng phát triển, quốc phòng và ngoại giao cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau” và “đầu tư cho phát triển có tiềm lực đóng vai trò một công cụ quyền lực mềm ra sao”.
Như vây, kinh tế đã trở thành một trụ cột của chiến lược Ấn-Thái. Để làm cho chương trình này phát huy được sức mạnh, Mỹ sẽ phải huy động sự đóng góp tài chính của Nhật Bản, Úc và các nước phát triển khác. Sẽ cần có cơ chế thích hợp để triển khai đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, như Blumenthal, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, Mỹ cần phải xem xét một kế hoạch thương mại tích cực hơn nhằm vào các nước sẽ ngày một quan trọng với Mỹ trong tương lai, như Việt Nam, Indonesia và Philippines, cũng như những chương trình giúp củng cố pháp quyền ở các nước này để họ không bị ảnh hưởng bởi hối lộ từ Trung Quốc.
Trong cuộc cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), phía Mỹ sẽ không trường vốn như Trung Quốc. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách Washington đã nhấn mạnh chất lượng đầu tư và cho vay dựa trên nhu cầu của mỗi nước, lao động trình độ cao và bảo vệ môi trường; Mỹ hy vọng sẽ làm khác so với Trung Quốc./.