• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ đối mặt “ác mộng bạo lực” súng đạn

Thế giới 09/12/2015 06:39

(Toquoc)- Số vụ xả súng gia tăng tại Mỹ thúc đẩy yêu cầu cấp thiết trong việc siết chặt hoạt động mua bán và sử dụng súng đạn.

(Toquoc)- Số vụ xả súng gia tăng tại Mỹ thúc đẩy yêu cầu cấp thiết trong việc siết chặt hoạt động mua bán và sử dụng súng đạn.

Ngày 2/12, một vụ xả súng xảy ra ở thành phố San Bernardino thuộc Tây Nam bang California, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Theo Reuters, trong thông điệp phát ngày 5/12 trên đài phát thanh trực tuyến al-Bayan của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm phiến quân này tuyên bố 2 đối tượng đi theo IS đã tiến hành vụ thảm sát trên.

Trước đó, truyền thông Mỹ ngày 4/12 đã công bố ảnh của thủ phạm nữ Tashfeen Malik cùng người chồng Syed Rizwan Farook đã tuyên thệ trung thành với IS. Đây là vụ tấn công đầu tiên của tổ chức khủng bố này tại Mỹ và là vụ khủng bố lớn nhất xảy ra trên đất Mỹ kể từ sau vụ 11/9.



Ở Mỹ, vũ khí được bày bán như nhiều loại hàng hóa khác để phục vụ cho "nhu cầu tự vệ của người dân bởi tội phạm  đương nhiên luôn có vũ khí dù luật pháp có cấm đoán”

 

Đổ xô sắm vũ khí

Theo các cửa hàng súng tại Mỹ, doanh số bán sau khi xảy ra vụ xả súng tại San Bernardino tăng vọt và nhiều khách hàng nói rằng họ muốn có sẵn súng ngắn và súng trường để tự vệ trong trường hợp bị tấn công.

Ray Peters, quản lý một công ty chuyên bán súng và két sắt cùng một sân tập bắn trong nhà ở Atlanta, cho biết: “Mọi chỗ đều báo cáo doanh số bán tăng, mọi cửa hàng, mọi nhà cung cấp. Mọi người nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải tự bảo vệ mình”.

Brandon Langley, một người dân ở Atlanta, khi đề cập tới vụ tấn công đẫm máu, cũng nói: “Nếu mọi người có súng thì có thể kết cục đã khác. Thay vì 14 nạn nhân, có thể là không có ai, ngoại trừ hai kẻ tấn công kia”. 4 ngày sau vụ thảm sát nói trên, Langley đang tập bắn bằng khẩu súng trường bán tự động AR-15 của mình.

Theo số liệu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về kiểm soát thông tin những người muốn mua súng, việc mua bán súng đã tăng nhanh sau các vụ xả súng hàng loạt trước đây. Trong tuần đầu ngay sau vụ xả súng tại trường học ở Newtown, Connecticut, làm 27 người chết hồi tháng 12/2012, số người đăng ký mua súng là 953.600 người.

Trong ngày Thứ Sáu Đen, ngày mua sắm ưa thích của người dân sau Lễ Tạ ơn vào 27/11 năm nay, đã có tổng số 185.345 đơn đăng ký tại Hệ thống Kiểm soát Thông tin Tội phạm Khẩn cấp của FBI, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết 57% người Mỹ tin rằng việc sở hữu súng giúp bảo vệ mọi người, tăng hơn so với con số 48% năm 2012. Số còn lại cho rằng việc sở hữu súng khiến an ninh cá nhân thêm nguy hiểm.

“Nóng vấn đề súng đạn” trong nghị trường

Ở một đất nước mà nhiều người dân sở hữu súng, nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, vụ xả súng vừa qua đang khơi lại những tranh cãi lâu nay về quyền sở hữu vũ khí của người dân được quy định trong hiến pháp và việc liệu quyền sở hữu súng nên bị hạn chế hay mở rộng như là cách để ngăn chặn các vụ đổ máu tiếp theo.

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, đã phải nhắc lại lời kêu gọi “chấm dứt bạo lực súng ống ngay” bằng việc đưa ra những hạn chế mới về việc mua bán súng.

Lần đầu tiên kể từ năm 1920, tờ New York Times (Thời báo New York) của Mỹ số ra ngày 5/12 vừa qua đã đăng trên trang nhất bài xã luận với tiêu đề "Chấm dứt đại dịch súng đạn tại Mỹ". Bài báo nhấn mạnh "việc người dân có thể mua một cách hợp pháp các vũ khí được thiết kế với mục đích thực hiện hành vi giết người một cách hiệu quả và với tốc độ tàn bạo là sự xúc phạm đạo đức và nỗi hổ thẹn của quốc gia."

Các số liệu mà Chiến dịch Ngăn chặn Bạo lực Súng ống ở Washington đã đưa ra cho thấy, trung bình mỗi ngày có 89 người chết liên quan tới súng ở Mỹ và trung bình năm là 32.514 người.

New York Times cũng chỉ trích giới lập pháp Mỹ chưa có giải pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng này, nêu rõ "những nhà lãnh đạo được bầu có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng họ lại coi trọng tiền và quyền lực chính trị của một ngành công nghiệp kiếm lợi từ việc phổ biến các loại vũ khí có sức công phá ngày càng lớn."

Có quan điểm trái ngược, những ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, như Donald Trump và Ben Carson, lại kiên quyết cho rằng phải hỗ trợ người dân ngăn chặn các vụ tấn công bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn chứ không phải khó khăn hơn, cho họ mua và mang vũ khí.

Những người ủng hộ điều này cho rằng những quy định mới trong việc kiểm soát súng đạn sẽ không thể ngăn những kẻ muốn giết người hàng loạt. Langley nói rằng súng là cần thiết trong “một xã hội tự do”. Quan điểm này cũng được Jasneil Singh, một khách hàng 19 tuổi, đồng tình. Anh này nói: “Không phải súng mà là người mới gây tai họa”.

Cần hành động ngay

Có thể nói, bên cạnh mối đe dọa từ khủng bố thì sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát súng đạn là một nguyên nhân dẫn đến các vụ thảm sát ở Mỹ. Theo khảo sát của Liên Hiệp Quốc, ở Mỹ hiện có khoảng 300 triệu khẩu súng đang lưu hành. Và các nghiên cứu cho thấy nơi nào càng tích tụ nhiều súng đạn thì án mạng xảy ra càng nhiều. Số vụ giết người bằng súng ở Mỹ cao gấp 6 lần Canada và 15 lần Đức.

“Mọi bằng chứng đều cho thấy càng có thêm nhiều súng trong cộng đồng thì người chết càng nhiều” - trang Vox dẫn lời chuyên gia David Hemenway thuộc Trung tâm Nghiên cứu kiểm soát chấn thương. Nhiều súng đạn không chỉ là tăng số lượng vụ giết người mà còn cả số vụ tự sát, bạo lực gia đình và bạo lực chống cảnh sát.

Trước đây, California luôn được xem là một mô hình kiểm soát súng đạn hiệu quả với việc cấm súng tiểu liên, súng máy và các loại vũ khí có sức công phá cao. Để mua những loại súng này, khách hàng cần điền vào hàng loạt đơn, phải cung cấp dấu vân tay và trả phí cao. Những người có tiền án, là tội phạm tình dục, có tiền sử mắc bệnh tâm thần.. bị cấm mua súng.

Tuy nhiên, sau vụ “tắm máu” ngày 2/12, một số chuyên gia nhận định vấn đề là luật kiểm soát súng đạn ở California chỉ chặt chẽ theo tiêu chuẩn Mỹ, chứ nếu so với các nước như New Zealand, Nhật hay Anh thì vẫn còn khá lỏng lẻo hơn nhiều. Do đó, những kẻ xả súng vẫn có thể mua vũ khí để gây án.

Việc tờ báo có tiếng như New York Times kêu gọi kiểm soát súng đạn trên trang nhất đã phần nào cho thấy tính cấp bách của một cơ chế pháp lý cứng rắn hơn để ngăn chặn các hành vi bạo lực súng đạn.

 

Trong bài phát biểu quan trọng từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi cuộc chiến chống khủng bố và ban hành một dự luật siết chặt quản lý súng đạn là những ưu tiên hành động hàng đầu của ông trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2017. Không chỉ dừng lại ở lời nói, điều này cần được thực hiện nhanh chóng và kịp thời.

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ