(Tổ Quốc) - Các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Australia, Philippines có thể sẽ nói không với tên lửa Mỹ, tổ chức tham vấn RAND cho biết.
Không có đồng minh nào trong số 5 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở châu Á - Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Philippines - có khả năng đồng ý để Mỹ đặt các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất (GBIRM) tại lãnh thổ của họ.
Những tên lửa như vậy được coi là trọng tâm trong chiến lược của Washington nhằm phòng ngừa hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Nhà khoa học chính trị cấp cao Jeffrey Hornung của tổ chức RAND viết trong báo cáo: "Tìm kiếm một đồng minh sẵn sàng để Mỹ triển khai GBIRM khó hơn việc tìm kiếm đồng minh sẵn sàng để Mỹ triển khai các lực lượng quân sự khác, chẳng hạn như các căn cứ không quân".
"Rất khó có khả năng" Thái Lan, Philippines hoặc Hàn Quốc đồng ý triển khai những tên lửa như vậy, và chỉ có "khả năng nhỏ" là Australia hoặc Nhật Bản sẽ đồng ý, bất chấp sự háo hức gần đây của cả hai nước này trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, ông Jeffrey đưa ra ý kiến.
Điều này có thể buộc quân đội Mỹ phải suy nghĩ lại nghiêm túc.
Mục tiêu sâu xa của Mỹ
Trong bản kế hoạch đầu tư 6 năm được trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng 2 năm ngoái, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã nói rõ rằng vũ khí trên mặt đất sẽ rất quan trọng trong việc phòng ngừa các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Bộ chỉ huy cần "các mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo chuỗi đảo đầu tiên, với số lượng vũ khí trên mặt đất tăng lên", bản kế hoạch cho biết, đề cập đến chuỗi đảo trải dài qua đảo chính của Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines.
Tài liệu trên cũng cho hay: "Các mạng lưới này phải được phân cấp về mặt hoạt động và phân bổ về mặt địa lý dọc theo các quần đảo phía tây Thái Bình Dương".
Việc phân bổ như vậy sẽ cho phép Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương "đảo ngược khả năng chống tiếp cận và đổ bộ trên không (A2/AD) của đối thủ. Khả năng này đã hạn chế quyền tự do hành động của Mỹ và quyền tiếp cận các tuyến đường thủy và không phận quan trọng", theo văn bản này.
A2/AD đề cập đến chiến lược kết hợp tàu, tên lửa và hệ thống cảm biến của Trung Quốc để ngăn chặn đối thủ tiếp cận bờ biển của họ. Khả năng này đặc biệt đáng lo ngại đối với các chỉ huy Mỹ khi Trung Quốc ước tính có 1.250 tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, còn Mỹ không có năng lực này.
Lý do cho việc Mỹ không phát triển mạnh loại vũ khí này là do Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung giữa Mỹ và Nga (INF) cấm phát triển các tên lửa đất đối đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào tháng 8 năm 2019 đã tạo cơ hội để phát triển và triển khai các vũ khí đó ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Mỹ chủ yếu phải dựa vào đồng minh nói "có" để triển khai vĩnh viễn tên lửa đất đối không tới khu vực này trong thời bình. Và việc không đồng minh nào đồng ý sẽ khiến chiến lược trên của Mỹ "đối mặt với nguy cơ thất bại nghiêm trọng", ông Hornung viết.
Khả năng thất bại được vạch ra
Báo cáo cũng nêu chi tiết lý do tại sao các cuộc thảo luận của Mỹ với từng đồng minh có khả năng thất bại.
Về phía Thái Lan, xu hướng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha là theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, điều cũng ngăn cản Mỹ - Thái tăng cường quan hệ quân sự. Tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã đưa đất nước này đến gần Trung Quốc hơn. Điều này cũng khiến Mỹ khó có thể coi nước này là một ứng cử viên để đưa tên lửa đất đối không đến đây. Mỹ đã không có sự hiện diện quân sự quy mô lớn ở Philippines kể từ khi Căn cứ Không quân Clark và Trạm Hải quân Vịnh Subic buộc phải đóng cửa vào đầu những năm 1990. Tính đến tháng 12/2021, tổng số quân nhân Mỹ tại Philippines là 190 người.
Tổng thống sắp tới của Philippines, Ferdinand Marcos Jr., đã nhận ra tầm quan trọng của liên minh quốc phòng giữa Manila với Washington, nhưng ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải trở thành "bạn với tất cả mọi người" trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc Mỹ-Trung đang căng thẳng.
"Chúng tôi là một người chơi nhỏ trong số những người khổng lồ rất lớn về mặt địa chính trị. Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực theo cách riêng của mình", ông Marcos nói sau chiến thắng bầu cử vào tháng trước.
Tổng thống mới của Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol, đã đặt mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ vào trung tâm chiến dịch bầu cử của mình và đã phát tín hiệu mong muốn mua thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Nhưng ông Hornung viết rằng tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có thể gây ra phản ứng dữ dội hơn từ Trung Quốc do khả năng tấn công mạnh mẽ của vũ khí này. Ông nói: "Việc bố trí tên lửa này ở Hàn Quốc sẽ nhắm vào lãnh thổ Trung Quốc. Việc bố trí như vậy chắc chắn sẽ dấy lên phản ứng gay gắt hơn từ Bắc Kinh" so với cuộc tẩy chay kinh tế diễn ra sau quyết định Hàn Quốc triển khai THAAD vào năm 2016, ông Hornung nhận định.
Mối quan hệ Australia-Trung Quốc xấu đi gần đây có thể làm tăng khả năng Canberra đồng ý triển khai tên lửa này. Nhưng "sự miễn cưỡng lâu nay đối với việc triển khai các căn cứ thường trú ở nước ngoài, kết hợp với khoảng cách địa lý xa xôi của Australia với lục địa châu Á, khiến khả năng này khó xảy ra", báo cáo trên cho biết.
Về Nhật Bản, báo cáo lưu ý rằng do "Nhật Bản sẵn sàng tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và theo đuổi nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của mình đối với Trung Quốc, Nhật Bản là đồng minh trong khu vực có khả năng nhất sẽ đồng ý triển khai tên lửa của Mỹ", báo cáo đã lưu ý.
"Tuy nhiên, khả năng đó vẫn còn thấp. Ông Hornung chỉ ra việc Tokyo hủy bỏ việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đạn đạo trên bờ Aegis vào năm 2020, do sự phản đối của người dân địa phương từ các khu vực được chọn làm địa điểm.
Như vậy, Mỹ không có nhiều lựa chọn tại châu Á và việc tìm ra một giải pháp phù hợp nhằm đối trọng với hệ thống tên lửa của Trung Quốc tại khu vực này cũng không hề dễ dàng.