• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ - EU tăng cường hợp tác thương mại và công nghệ xuyên Đại Tây Dương

Thế giới 28/09/2021 17:05

(Tổ Quốc) - Theo CNBC, các quan chức hàng đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức khởi động Hội đồng Thương mại - Công nghệ vào ngày 29/9 tới.

Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU

Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) Mỹ-EU sẽ chính thức ra mắt và tham gia nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 29/9 tại Pittsburgh, Pennsylvania (Mỹ).

Mỹ - EU tăng cường hợp tác thương mại và công nghệ  xuyên Đại Tây Dương             - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Theo CNBC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ tham dự cuộc họp TTC tại Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) vào ngày mai (29/9). 

Cuộc họp diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố thành lập liên minh an ninh mới AUKUS và Tổng thống Biden đã tham gia cuộc họp Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD). Dự kiến, trong cuộc họp, quan chức cấp cao đến từ Mỹ và liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng thảo luận về thách thức kinh tế và an ninh mà liên minh xuyên Đại Tây Dương đang phải đối mặt trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. 

TTC sẽ là nền tảng cho Mỹ và EU thúc đẩy đổi mới và đầu tư giữa hai khu vực kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng và ngăn chặn những trở ngại không cần thiết đối với thương mại. Bên cạnh đó, TTC cũng đóng vai trò như một diễn đàn có ảnh hưởng chính trị để giải quyết những bất đồng xuyên Đại Tây Dương trong thập kỷ qua - từ các quy định về quyền riêng tư và chuyển dữ liệu cho đến những quy định về các tập đoàn công nghệ lớn và việc đánh thuế số. Trong tuyên bố chung giữa EU - Mỹ, hội đồng chung này sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và thúc đẩy đổi mới các công nghệ quan trọng.

"Chúng tôi cam kết xây dựng quan hệ đối tác EU - Mỹ nhằm tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu, chú trọng chuỗi cung ứng bán dẫn nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như năng lực thiết kế và sản xuất các chất bán dẫn hiện đại đảm bảo tiết kiệm tài nguyên", tuyên bố nêu rõ.

Dự kiến, giới quan chức Mỹ sẽ gặp gỡ hai phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu - Margrethe Vestager và Valdis Dombrovski nhân dịp này. TTC sẽ tham vấn giải quyết mâu thuẫn thương mại, hợp lý hóa các thủ tục pháp lý và phát triển quy tắc chung đối với các công ty công nghệ mới nổi ở hai bên bờ Đại Tây Dương.

"Châu Âu và Mỹ sẽ cùng tham gia chia sẻ lợi ích chung để đảm bảo những bên liên quan phải tuân thủ các quy tắc nhất định", một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden giấu tên cho biết. Theo quan chức này, TCC sẽ tập trung hợp tác trong các lĩnh vực: an ninh chuỗi cung ứng; khí hậu và năng lượng xanh; an ninh công nghệ thông tin và cạnh tranh; quản lý dữ liệu, kiểm soát xuất khẩu; sàng lọc đầu tư và thách thức thương mại toàn cầu. 

Cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 29/9 trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden tập trung sứ mệnh gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi chấm dứt nhiệm vụ quân sự kéo dài 20 năm ở Afghanistan.

"Mỹ và EU cũng sẽ tìm cách điều chỉnh các chính sách và tiêu chuẩn đối với các công nghệ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua TTC", bà Vestager - phụ trách chính sách cạnh tranh kỹ thuật số của EU nhận định.

Bước ngoặt của TTC
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp trực tiếp lãnh đạo các nước Australia, Ấn Độ và Nhật Bản ở Nhà Trắng, nhấn mạnh đến mối quan tâm trong lĩnh vực quân sự và kinh tế. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về chương trình hợp tác phát triển vaccine phòng Covid-19 và công nghệ hướng tới một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Cuộc họp tại Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) diễn ra sau một tuần Tổng thống Biden thông báo thành lập liên minh an ninh mới với Anh và Australia.

Cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden đã thông báo về quan hê đối tác an ninh tam giác mới nhằm tăng cường và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là một phần của thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Canberra mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

"Điều này sẽ giúp Australia có cơ hội triển khai tàu ngầm trong thời gian dài hơn. Loại tàu ngầm mới sẽ giúp Sydney duy trì và cải thiện khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", một quan chức chính quyền cấp cao giấu tên cho biết.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là sự hợp tác giữa một số nước nhằm gia tăng sức mạnh ở đây. Điều đó sẽ nâng tầm ảnh hưởng của Australia lên cấp độ cao hơn nhiều đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực", quan chức này nói thêm.

Trong khi đó, về phía EU, TTC sẽ tiếp tục là động thái mới của Mỹ trong chính sách đối ngoại của nước này với phương Tây. Nỗ lực này của Mỹ-EU nhằm tạo ra các lập trường chung mang lại ảnh hưởng toàn diện, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến truyền dữ liệu, chính sách cạnh tranh và các tiêu chuẩn thuế toàn cầu. 

Giới quan sát cho rằng sự xuất hiện của TTC là một dấu hiệu chính trị đáng hoan nghênh, cho thấy Mỹ và EU đã sẵn sàng và nghiêm túc phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề kỹ thuật số. Tuy nhiên, những tín hiệu này chỉ mới chỉ là bước đầu tiên. Về lâu dài, chính sách kỹ thuật số xuyên Đại Tây Dương vẫn đòi hỏi sự tập trung và cam kết giải quyết các thách thức quan trọng khác./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ