(Tổ Quốc) - Quan ngại về ảnh hưởng của Nga ở Balkans, các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc chuẩn bị một bản báo cáo về hợp tác quân sự của Nga với Serbia, Bosnia và Macedonia.
Quan ngại về ảnh hưởng của Nga ở Balkans, các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc chuẩn bị một bản báo cáo về hợp tác quân sự của Nga với Serbia, Bosnia và Macedonia. Phát biểu với Sputnik, Thiếu tướng Lực lượng Vũ trang Serbia đã nghỉ hưu Mitar Kovac giải thích rằng những động thái của Mỹ chỉ là một nỗ lực khác nhằm gây sức ép Belgrade (Serbia) không hợp tác với Moscow.
Theo các phương tiện truyền thông Balkan, báo cáo của Lầu Năm Góc tới Quốc hội Mỹ có thể sẽ bao gồm một danh sách chi tiết các thiết bị quân sự Nga mà các nước này nhập khẩu kể từ năm 2012, thông tin về các cuộc tập trận chung và bất kỳ thỏa thuận an ninh nào được ký kết giữa Nga và ba quốc gia Balkan không thuộc NATO.
Chi tiết bắt tay quân sự Nga – Serbia
Cộng tác viên của Sputnik Serbia, Mira Kankaras Trklja lưu ý rằng báo cáo trên, phần lớn có thể sẽ tập trung vào hợp tác của Nga với Serbia, quốc gia Balkan hùng mạnh nhất về mặt quân sự. Về tổng thể, nhà báo trên cho hay, chỉ có Serbia, chứ không phải Bosnia hay Macedonia, đang nhận hàng các máy bay tiêm kích MiG-29 của Nga, xe tăng chiến đấu T-72C và xe bọc thép trinh sát-tuần tra BRDM-2. Các nước Bosnia hay Macedonia cũng không có tập trận chung với Nga.
Tập trận chung Nga, Serbia. |
Cũng theo Sputnik Serbia, dù vậy, tầm quan trọng của hợp tác quân sự Nga-Serbia không nên đánh giá quá cao. Việc cung cấp thiết bị quân sự của Nga cho nước này có giới hạn về quy mô, các máy bay chiến đấu MiG cũng cần phải được hiện đại hóa, trong khi xe tăng và xe bọc thép, trong khi tương đối hiện đại, cũng không phải là các thế hệ công nghệ tiên tiến nhất.
Có lẽ vấn đề duy nhất trong mối quan ngại thực sự đối với Washington có thể là nỗ lực của Serbia để tiếp cận các hệ thống phòng không hiện đại của Nga. Trong khi không có thỏa thuận nào được thảo luận chính thức trong cuộc họp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Serbia Vucic ở Moscow hồi đầu tháng này, các quan sát viên quân sự Serbia và chính Tổng thống Serbia đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với các hệ thống phòng không như Buk, S-300 và Pantsir-S1.
Với những cân nhắc trên, Mitar Kovac, một tướng lĩnh Serbia đã nghỉ hưu và là một giáo sư tại Học viện quân sự Serbia, tin rằng mục tiêu chính của bản báo cáo lên Quốc hội Mỹ trên là đe dọa các nước Balkan không thuộc NATO.
Kovac nói với Sputnik Serbia rằng: "Ngày nay, Mỹ nhận thức Balkan là một khu vực mà họ chưa hoàn toàn vươn tới được và họ muốn tìm cách giảm ảnh hưởng của Nga trong khu vực". Theo đó, nhà quan sát quân sự ghi nhận, Washington đang công khai tuyên bố ý định của họ là "theo dõi chặt chẽ" các mối quan hệ của Balkan với Nga, đặc biệt là sau khi Montenegro gia nhập liên minh NATO.
Các hoạt động thu thập thông tin của Hoa Kỳ sẽ bao gồm thông tin tình báo quân sự và chính trị cổ điển, cũng như dựa vào các đảng chính trị thân phương Tây tại Serbia và các tổ chức phi chính phủ được tài trợ bởi phương Tây. Thực tế là hợp tác quân sự giữa Nga và Serbia khá minh bạch, tuy nhiên, ngay cả sự hợp tác ở “cấp độ biểu tượng” như vậy cũng khiến Washington quan ngại, theo Kovac.
Cân bằng ảnh hưởng Nga - NATO
Tướng lĩnh về hưu trên cũng ghi nhận, Belgrade thực sự sẽ được lợi từ việc gia tăng hợp tác quân sự với Moscow, để cân bằng những gì mà họ đã có với NATO. "Có một nhóm lực lượng của NATO tại Belgrade, nhưng tốt hơn hết là mở ra một nhóm hoạt động của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở đó, sau đó chúng ta có thể nói về việc đạt được một mức độ trung lập đủ để cân bằng đối với cả phương Tây và phương Đông", ông nói.
Về phần mình, cựu Ngoại trưởng Serbia Zivadin Jovanovic nói Sputnik Serbia rằng báo cáo gửi tới Quốc hội Mỹ nên được xem như một cảnh báo tới các nước Balkan đang cố duy trì một số cân bằng trong chính sách của họ đối với phương Tây và Moscow. Đồng thời, tác động của áp lực trên từ Mỹ cũng sẽ được chú ý, chuyên gia cho biết.
"Động thái trên có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc nhiều hỗ trợ khác, sử dụng IMF, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác", nhà quan sát trên giải thích. Tuy nhiên, các nguồn lực cây gậy và củ cà rốt của Washington không phải là vô hạn, và họ "không thể ngăn chặn xu hướng toàn cầu của sự phát triển tăng tốc các mối quan hệ với các quốc gia như Nga và Trung Quốc", theo Jovanovic.
Cuối cùng, nhà ngoại giao này lập luận rằng những nỗ lực của Washington sẽ chỉ khiến các nước châu Âu theo chính sách không liên kết có nhiều lý do để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. "Trong thực tế, Mỹ đang đẩy các nước này vào việc phát triển quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia mà Washington coi là đối thủ hoặc kẻ địch", Jovanovic kết luận.
(Theo Sputnik)