• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ giành “thắng lợi” tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20

Thế giới 19/03/2017 12:00

(Tổ Quốc) - Washington quyết không khoan nhượng và tìm cách phá vỡ nhiều cam kết của cộng đồng quốc tế.

Thay đổi truyền thống cổ vũ cho thương mại tự do đã kéo dài hơn một thập kỷ, các Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo ngân hàng Trung ương của các nước G20 chỉ đề cập “qua loa” đến thương mại, sau hai ngày làm việc của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 – một thất bại rõ ràng cho nước chủ nhà Đức, quốc gia châu Âu đang chống lại những nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm phá bỏ các cam kết của cộng đồng quốc tế trong quá khứ.

Theo các quan chức tham dự hội nghị, mặc dù được đánh giá là một sự kiện 19 chống 1, nhưng nước Mỹ tỏ ra kiên quyết không lùi bước trong các vấn đề chủ chốt và tìm cách phá vỡ nhiều thoả thuận trước đây. Tuy vậy, bầu không khí hội nghị lại khá thân thiện, không đối đầu, từ đó mở ra cánh cửa cho một thoả thuận trong tương lai.

“Tôi hiểu được những gì ngài Tổng thống mong muốn và những chính sách của ông ấy, và tôi thương lượng dựa trên những điều này,” ông Steven Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết. “Tôi không thể hài lòng hơn với kết quả đạt được.”

Với chính sách “Nước Mỹ hàng đầu”, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi một thoả thuận thương mại chủ chốt, và đề xuất áp thuế mới lên hàng hoá nhập khẩu; đồng thời cho rằng, một số mối quan hệ thương mại cần phải được tái xem xét nhằm đem lại công bằng hơn cho người lao động Mỹ.

“Chúng tôi tin vào thương mại tự do, chúng tôi là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới, chúng tôi là một trong những đối tác thương mại lớn nhất toàn cầu, thương mại tốt cho chúng tôi, và nó tốt cho cả người khác nữa,” ông Mnuchin phát biểu. “Nói như vậy, chúng tôi muốn xem xét lại một số thoả thuận nhất định.”

Các quan chức tham dự Hội  nghị Bộ trưởng Tài chính G20 (ảnh: Reuters)

Thương mại quốc tế là một phần không thể thiết của kinh tế toàn cầu, và các quan chức cho rằng, vấn đề này sẽ được nhắc lại trong hội nghị các nhà lãnh đạo G20 sẽ diễn ra vào tháng Bảy tới đây.

Trong khi một số Bộ trưởng tỏ ra không hài lòng, một số người khác cố tình giảm bớt sự đối lập. “Không phải là chúng ta không thống nhất,” Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói. “Việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ hoàn toàn không gặp phải bất kỳ phản đối nào. Tuy nhiên, đối với mỗi Bộ trường, chủ nghĩa bảo hộ được định nghĩa như thế nào, lại không được rõ ràng.” Ngoài ra, ông cũng cho biết, một số Bộ trưởng không có toàn quyền thương lượng, bởi họ không chịu trách nhiệm hoàn toàn về lĩnh vực thương mại của đất nước mình.

“Đây không phải là hội nghị thành công nhất của chúng tôi,” Uỷ viên về các vấn đề kinh tế của EU, ông Pierre Moscovici thừa nhận. “Tôi hy vọng rằng, [Hội nghị các nhà lãnh đạo G20] tại Hamburg, mọi thứ sẽ khác biệt. Chúng ta cần điều đó.”

Từ sự phản đối từ Mỹ và Arab Saudi, các nhà lãnh đạo tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã quyết định “bỏ qua” cam kết hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trong tuyên bố của mình – một kết quả được mong đợi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi hiện tượng trái đất nóng lên là “một trò lừa đảo” do Trung Quốc đưa ra nhằm phá hoại nền công nghiệp Mỹ, và thề sẽ chấm dứt thoả thuận Paris về cắt giảm khí thải công nghiệp.

Hôm thứ Năm (16/3), chính quyền Tổng thống Trump đã đề xuất mức cắt giảm 31% đối với ngân sách của cơ quan Bảo vệ Môi trường nước này – một động thái nằm trong kế hoạch chấm dứt các chương trình thay đổi khí hậu, và thu hẹp các sáng kiến bảo vệ chất lượng không khí và nước. “Chúng tôi coi đó là việc lãng phí tiền của,” Giám đốc ngân sách của ông Trump, Mick Mulvaney nói về chi phí cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu.

(Theo Reuters)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ