(Tổ Quốc) - Diễn biến căng thẳng Mỹ-Iran chưa thể hạ nhiệt trong vòng xoáy các đối đáp qua lại giữa hai bên.
Diễn biến tồi tệ hơn
Theo hãng Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ "xóa sạch" Iran nếu nước này tấn công Mỹ sau khi Iran lên án Mỹ tăng cường các trừng phạt vào nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán với Iran và nói rằng Tehran nên đối thoại với Mỹ trong hòa bình nhằm giảm căng thẳng và giảm các trừng phạt vào nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới vào các quan chức của Iran, trong đó có lãnh tụ tối cao của Iran - Ayatollah Ali Khamenei cùng với đó là Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Iran đã bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước. Tổng thống Trump đã lên tiếng tiếp tục trả đũa bằng cuộc không kích nhưng lại rút lại kế hoạch vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Lần đầu tiên sau bốn thập kỷ căng thẳng, Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng căng thẳng. Cùng với đó, Tổng thống Trump đã viết tweet rằng: "Bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhằm vào Mỹ sẽ đều được đáp trả mạnh mẽ".
Trên truyền hình vào ngày 25/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, các trừng phạt mới sẽ không mang đến kết quả tốt.
Tổng thống Rouhani cho rằng, các động thái của Nhà Trắng đang khiến cho mọi thứ đi quá xa và có chút đụng chạm đến các quan chức của Iran.
"Sự kiên nhẫn chiến lược của Tehran không nghĩa là chúng tôi lo sợ", ông Rouhani cho biết.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với báo chí tại Nhà Trắng rằng Iran nên giúp Mỹ hiểu những gì họ muốn làm.
"Bất kỳ điều gì Iran muốn làm, Mỹ luôn sẵn sàng đối phó", Tổng thống Trump cho biết.
Đáp trả điều này, Iran đã lên tiếng: "Washington luôn có các động thái thay đổi nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, hãy tránh xa các động thái khiêu khích. Tôi hi vọng Mỹ có thể ở đây và làm điều tốt hơn. Và có thể đàm phán trong hòa bình".
Leo thang trừng phạt Mỹ
Mỹ liên tục áp các trừng phạt tài chính đối phó với Iran từ năm ngoái trong bối cảnh Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 giữa Tehran và các siêu cường nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân.
Căng thẳng leo thang bắt đầu từ khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục thúc đẩy các trừng phạt vào nước này và yêu cầu các nước nên chấm dứt mua dầu của Iran. Điều này đã khiến cho kinh tế Iran có phần điêu đứng.
Theo hãng Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump có nói rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã thất bại bởi vì không đạt được hiệu quả sau các vi phạm của các nước thành viên tham gia khiến cho căng thẳng tại Trung Đông vẫn tiếp tục.
Việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ đã khiến cho các căng thẳng tiếp tục leo thang và Mỹ liên tục để ngỏ khả năng sẽ có biện pháp quân sự đối phó. Iran cho biết máy bay của Mỹ đã bay vào không phận của nước này và vi phạm.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump – ông John Bolton đang có chuyến thăm Israel và đưa ra lời đề nghị sẵn sàng tham gia đối thoại miễn là Iran chấp thuận.
"Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mở cánh cửa tham gia đàm phán nhằm tiến tới nỗ lực loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Iran hoàn toàn và không thể đảo ngược cùng với đó là tiến tới hỗ trợ đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tất cả những điều Iran cần là mở rộng cánh cửa tham gia đàm phán", Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump – ông John Bolton nói tại Jerusalem.
Iran cho biết hiện chưa có ý định tham gia đàm phán với Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết, việc áp các trừng phạt vô nghĩa vào nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei và Ngoại trưởng Zarif đồng nghĩa với việc khép lại cánh của ngoại giao.
"Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov cũng đưa ra cảnh báo rằng, tình hình xung quanh vấn đề Iran đang diễn biến trong kịch bản trầm trọng", hãng thông tấn RIA cho biết.
Mỹ và các đồng minh khu vực liên tục đổ lỗi cho Iran gây ra các tấn công vào tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ điều này. Các đồng minh châu Âu tại Washington đã đưa ra cảnh báo rằng hai nước nên kiềm chế căng thẳng và tránh cho mâu thuẫn dẫn đến chiến tranh.
Tehran đã ra hạn cho các thành viên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran đến ngày 8/7, buộc các nước thành viên phải có cách nhằm kiềm chế căng thẳng từ trừng phạt của Mỹ. Nếu điều này là không thể thì Tehran sẽ tiếp tục làm giàu urani mức độ cao nhằm gia tăng khả năng tự vệ đối phó với các thách thức từ bên ngoài.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, ông hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh NATO tại Brussels trong tuần này nhằm giúp Mỹ xoa dịu xung đột với Iran và mở cánh cửa ngoại giao.