• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ khuyến khích Nhật Bản bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Thế giới 08/11/2017 20:37

(Tổ Quốc) - Ý nghĩa tượng trưng chuyến thăm châu Á của Donald Trunp: Mỹ quan tâm và tiếp tục can dự tại châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện được một nửa cuộc hành trình châu Á, kéo dài trong 12 ngày, từ 5/11: Từ Nhật Bản, qua Hàn Quốc, tới Trung Quốc, dự cấp cao APEC tại Đà Nẵng - thăm Hà Nội, chặng cuối cùng là Manila.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn căng thẳng cao độ, mặc dù, trong một tháng rưỡi qua, Bình Nhưỡng không có vụ thử vũ khí nào. Để răn đe phòng ngừa bất trắc, Mỹ đưa vào 3 nhóm tàu sân bay tập trận tại Tây Thái Bình Dương. Mỗi tàu có một lực lượng máy bay chiến đấu “khủng” khoảng 80 chiếc ở tư thế sẵn sàng cất cánh.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu chào đón Tổng thống Donald Trump và phu nhân 

Tướng McMaster - Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ - xác định 3 mục tiêu chính cho chuyến công du của Tổng thống: Một, gia tăng giải pháp quốc tế cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm soát được bán đảo Triều Tiên. Hai, duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ba, trao đổi mậu dịch cân bằng và có đi có lại.

Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ mang ý nghĩa tượng trưng: Mỹ quan tâm và tiếp tục can dự tại châu Á.

Mỹ “xui” Nhật Bản bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Theo hãng Kyodo, Tổng thống Mỹ cho rằng, cách đây vài tuần, Nhật Bản lẽ ra phải bắn hạ tên lửa Triều Tiên bay ngang không phận nước này.

Tại Mỹ gần đây đã xuất hiện lời kêu gọi chính quyền Abe tăng cường hơn nữa khả năng răn đe trước những mối đe dọa từ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 

Chỉ trong vòng 6 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành 97 vụ thử tên lửa, 4 vụ thử hạt nhân, so với 63 vụ thử tên lửa của người bố và người ông, và 2 vụ thử hạt nhân của ông bố. Trong đó có rất nhiều vụ tên lửa bắn qua lãnh thổ hoặc rơi xuống vùng biển Nhật Bản, tạo nên sự bức xúc trong dân chúng Nhật Bản. Tại sao Nhật Bản không bắn hạ những tên lửa mang tính khiêu khích như vậy?

 Vấn đề tên lửa Triều Tiên - nỗi ám ảnh nhưng cũng là quân bài mà các nước liên quan thường sử dụng vì lợi ích của mỗi bên.

Đối với nước Mỹ lâu nay thường duy trì các cuộc xung đột cục bộ ở các khu vực ngoại vi, chiến tranh là nơi thử các loại vũ khí mới, và chiến tranh cũng là nơi kiếm tiền. Vì vậy, khi Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng nước này có thể phối hợp với Mỹ để ngăn chặn và bắn hạ các tên lửa Triều Tiên,  Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng, Nhật Bản sẽ đủ khả năng bắn rơi tên lửa Triều Tiên nếu mua vũ khí của Mỹ. 

Tuy nhiên, không ai có thể nắm chắc dùng tên lửa bắn hạ tên lửa một cách thành công. Mỹ cũng trầy trật trong các vụ diễn tập phòng thủ tên lửa, lúc được, lúc không. Triều Tiên thường sử dụng các bệ phóng di động, bắn từ  những hướng bất ngờ. Nếu bắn mà không hạ, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ mất uy tín.

Mặt khác, trong cuộc chơi hạt nhân/tên lửa Triều Tiên, không nước nào muốn đặt mình vào thế bất lợi. Trung Quốc dùng Triều Tiên làm “con bài’ để kiềm chế Nhật Bản, Hàn Quốc và mặc cả với Mỹ, cho nên vừa thực thi cấm vận, vừa duy trì quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Hàng hóa của Triều Tiên sản xuất xuất khẩu thường mang nhãn hiệu “Sản xuất tại Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng không muốn tạo ra loại quan hệ thù địch với Bình Nhưỡng tới mức không thể cứu vãn.

Nhật Bản một mặt hợp tác với Mỹ , tăng cường liên minh Mỹ-Nhật để kiềm chế Trung Quốc, vẫn duy trì hợp tác với Triều Tiên trên một số lĩnh vực, không để quan hệ Triều-Nhật trở thành thù địch.

Ngoài ra, như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), ông Konstantin Kosachev, cảnh báo ngày 6/11, rằng việc Nhật Bản mua các loại vũ khí của Mỹ với khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân. 

Thành ra, Bình Nhưỡng tiếp tục khai thác mâu thuẫn giữa các nước lớn để từng bước nâng cao năng lực vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.

Người ta không loại trừ tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nhật ở Tokyo ngày 5-6/11, ông Trump có thể đã thành công thuyết phục ông Abe mua hệ thống phòng thủ tên lửa mới để bắn hạ tên lửa Triều Tiên bay qua bầu trời Nhật Bản. Với Nhật Bản, điều này chỉ có thể thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ, không chỉ về kỹ thuật quân sự, mà cả chính trị, ngoại giao./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ