(Tổ Quốc) - Moscow đang đảm bảo không ai quên vai trò của mình ở Trung Đông, trong khi Bắc Kinh tìm kiếm đường vào khu vực này - nơi Tổng thống Trump đã cam kết sẽ rời đi.
Theo cây viết Paul Mcleary trong một bài viết trên trang Breaking Defense, cuộc chạm trán gần đây giữa một tàu chiến Nga và một khu trục hạm Mỹ ở Biển Ả Rập tuần trước không chỉ là một vòng đua mới mà quân đội Nga chơi trò mèo vờn chuột. Đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Nga hy vọng sẽ có được ảnh hưởng trong khu vực khi Mỹ gửi hàng ngàn binh sĩ, máy bay và tàu mới đến một khu vực mà Tổng thống Trump tuyên bố từ lâu rằng muốn rời đi.
Trung Đông vào tâm điểm
Khi chính quyền Trump công khai tranh cãi với chính phủ Iraq về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó và tái điều chuyển khoảng 18.000 binh sĩ mà Mỹ đưa tới khu vực này trong nhiều tháng qua, Nga và Trung Quốc phải điều động để giành lợi thế.
Seth Jones, giám đốc Dự án Các Mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng: "Không nghi ngờ gì về việc Trung Đông đang ở tâm điểm của sự cạnh tranh quyền lực các nước lớn. Người Nga coi việc người Mỹ quan tâm đến việc rút đi các lực lượng là một cơ hội để mở rộng quyền lực và lợi ích của họ".
Tuần trước, một ngày sau khi quốc hội Iraq yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi vùng đất của họ trong một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc, Đại sứ Trung Quốc tại Iraq đã đến thăm Thủ tướng Adil Abdul al-Mahdi với lời đề nghị tái thiết và hỗ trợ chính phủ Iraq và người dân, trong khi lưu ý đến mong muốn của Bắc Kinh về việc tăng cường hợp tác an ninh và quân sự" với Baghdad.
Trong khi đó, Nga và Iraq đã đối thoại trong hơn một năm về một thỏa thuận giao dịch các hệ thống phòng không S-400 hoặc S-300 do Nga sản xuất. Các cuộc đàm phán này dường như đã tạo được một cảm giác cấp bách mới sau cuộc tấn công của Mỹ giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani hồi đầu tháng này và Iran đã phóng 15 tên lửa đạn đạo vào các căn cứ quân sự của Iraq để đáp trả.
Một quan chức chính phủ Iraq gần đây đã nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti rằng các cuộc đàm phán với Moscow đang diễn ra, ngay cả sau khi các cuộc thảo luận trước đó gặp trở ngại do lời đe dọa từ Mỹ sẽ trừng phạt nếu Baghdad mua thêm công nghệ quân sự của Nga.
Những động thái thăm dò lợi thế trong vùng cát lún này ở Trung Đông là điều các quan chức Washington chú ý khi họ thảo luận về Cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn và Chiến lược quốc phòng.
Nga, Trung và những chiến lược riêng
Ngoài việc triển khai lực lượng, điều mà cả Nga và Trung Quốc còn bị hạn chế trong khả năng, cũng có những cách khác để gây ảnh hưởng. Ông Putin từ lâu đã tăng cường quan hệ với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, ký hợp đồng trị giá 25 tỷ USD vào năm 2015 để cho phép công ty năng lượng hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập. Moscow cung cấp 85% tài chính. Hai nước cũng đã ký một loạt các hiệp định hợp tác kinh tế và an ninh trong những năm gần đây và Ai Cập cũng rút lui khỏi kế hoạch "NATO Arab" do chính quyền Trump dẫn đầu hồi tháng Tư năm ngoái sau khi mất niềm tin vào cam kết của Washington.
Chỉ một tháng trước đó, Cairo và Moscow đã ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD mua 20 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, điều khiến các quan chức Mỹ cảnh báo Ai Cập rằng họ có thể bị xử phạt theo luật pháp Hoa Kỳ vì đã mua thiết bị quân sự của Nga.
Nhưng những lời đe dọa của Mỹ chưa được chú ý, vì Đạo luật trừng phạt đối thủ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) cho đến nay vẫn chưa được sử dụng đối với các đồng minh mua thiết bị của Nga. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow về vấn đề Ukraine năm 2014 hóa ra lại mang lại lợi ích lớn cho ông Putin để tạo mối quan hệ gần gũi hơn với Cairo. Là một phần của gói trừng phạt, Pháp đã hủy kế hoạch bán hai tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga, trả lại khoảng 1 tỷ USD mà Moscow đã trả cho các tàu này. Ai Cập nhanh chóng bước vào mua các con tàu này - với số tiền vay từ Ả Rập Saudi - và thêm 50 máy bay trực thăng KA-52 mà Moscow đã chế tạo cho các con tàu trên – điều đột nhiên biến Ai Cập thành một cường quốc hải quân hùng mạnh hơn nhiều.
Người Nga có vai trò sâu rộng, lâu dài trong khu vực; còn người Trung Quốc thì chưa được như vậy. Người Trung Quốc không dự tính nhiều sức mạnh quân sự trong khu vực, nhưng họ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng về kinh tế hơn là sức mạnh cứng như người Nga đã sử dụng, ông Jones nhận định.
Bắc Kinh đã âm thầm ký một loạt các thỏa thuận hợp tác kinh tế với các chính quyền trong khu vực. Rõ ràng nhất, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các chương trình máy bay không người lái tiên tiến của mình như một cách để có được sự hợp tác quân sự sâu hơn với nhiều quốc gia.
Saudi Arabia đã xây dựng một kho vũ khí tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất, và giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã giúp chế độ Saudi xây dựng cơ sở đầu tiên để sản xuất tên lửa của riêng họ. Cũng có báo cáo về việc UAE sử dụng máy bay không người lái Wing Loong II của Trung Quốc ở Libya và Yemen, còn Saudi đã mua cả máy bay không người lái Trung Quốc CH-4 và máy bay Wing Loong II, và đã mở cơ sở sản xuất CH-4 của riêng mình.