(Tổ Quốc) - Tân tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng sự đã có các phát biểu và động thái căng thẳng về diễn biến tình hình Biển Đông gần đây.
Biển Đông dậy sóng..
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang can thiệp quá sâu vào vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chỉ đích danh Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền hải đảo. Điều này có thể là cách thức kêu gọi ủng hộ đồng minh châu Á không thừa nhận các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền và cũng giống như một chiến lược gây sức ép về thương mại và đầu tư đối với Trung Quốc. Trong hàng thập kỷ qua, Mỹ và Trung liên tục duy trì chính sách "Một Trung Quốc", điều này phần nào gây mâu thuẫn trong luật chơi công bằng và chính sách ngoại giao chỉ là một cách thức đơn thuần giải quyết các vấn đề nhạy cảm.
Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã nêu lên chủ đề Biển Đông trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức. Hàn Quốc là điểm đến đầu tiên vào hôm 2/2 và sau đó là Nhật Bản. Chuyến thăm này nhằm khẳng định các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân gia tăng từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng như những căng thẳng với Trung Quốc. Chuyến công du của ông James Mattis diễn ra trong bối cảnh hai nước đồng minh lâu nay của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại về định hướng chính sách của Mỹ trong khu vực, dưới thời tân Tổng thống Trump.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng nhận định, việc ông Mattis thăm Hàn Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy, Mỹ coi các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh tại bán đảo Triều Tiên và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên mới đây cảnh báo có thể phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào bất cứ thời điểm nào.
Sau chuyến thăm tại Hàn Quốc, ông Mattis sẽ đến thăm Nhật Bản.Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ thúc đẩy mối quan hệ chặt gần hơn với Mỹ dưới thời chính quyền của tân Tổng thống Trump: “Mối quan hệ Mỹ- Nhật Bản đã đang và sẽ luôn có vị trí quan trọng trong chính sách an ninh và quan hệ ngoại giao của Nhật Bản. Đây là nguyên tắc không thể thay đổi được. Tôi sẽ có chuyến thăm Mỹ sớm nhất có thể để thúc đẩy mối quan hệ liên minh dưới thời Tổng thống Trump”.
Bởi nhiều kinh nghiệm, nếu như ông Mattis liên tục tỏ ra thân trọng trong từng lời nói thì điều này lại khác với những động thái tỏ ra “cứng rắn” của tân Tổng thống Trump và các đồng sự là Ngoại trưởng Tillerson và phát ngôn báo chí Nhà Trắng Sean Spicer trước đó. Thói quen này giống như những gợn sóng, biểu hiện sự thiếu nắm bắt và hiểu biết cần thiết phải có một chính sách chi tiết về vấn đề Biển Đông trong thời gian tới. Hôm 11/1, nhấn mạnh về việc ủng hộ thái độ cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ đã nói, Bắc Kinh nên bị cấm tới các đảo mà nước này xây ở Biển Đông.
“Chúng ta sẽ phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng, việc xây dựng đảo phải dừng lại và họ sẽ không được phép tới các đảo đó nữa”, ông Rex Tillerson nhấn mạnh.
“Trung Quốc đã chiếm lãnh thổ hoặc kiểm soát, hoặc tuyên bố kiểm soát các khu vực tại Biển Đông mà nước này không có quyền hợp pháp”, ông Tillerson tuyên bố mạnh mẽ trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Trong khi đó, ông Sean Spicer, phát ngôn viên Nhà Trắng của chính quyền Trump đã đưa ra các phân tích và lý lẽ nhấn mạnh đến yếu tố quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
“Nước Mỹ liên tục chắc chắn trong việc đảm bảo lợi ích của chính mình. Biển Đông mang tính quốc tế, không phải của riêng Trung Quốc. Chúng ta phải chắc chắn rằng, Mỹ liên tục bảo vệ lãnh thổ quốc tế và tuyệt đối không ai có thể vi phạm”, ông Spicer nói khi nhắc đến Biển Đông.
Kể từ khi ông Trump chính thức là Tổng thống Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã lên tiếng, nước Mỹ sẽ luôn bảo về quyền lợi của mình tại Biển Đông và bảo vệ lãnh thổ hợp pháp của mỗi quốc gia tại Biển Đông.
Mỹ liệu có hành động quân sự ở Biển Đông?
Các bình luận trên gợi ý khả năng rằng chính quyền Trump rất có thể sẽ có hành động quân sự. Chính quyền ông Obama trước đó dường như chưa bao giờ có những động thái cứng rắn như vậy mà chỉ dừng lại ở việc tập trận ở Biển Đông nhằm thể hiện sức mạnh của Mỹ đồng thời đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển quốc tế sầm uất nhất thế giới.
Trung Quốc đã từng cảnh báo rằng, ông Trump hãy tránh xa các mâu thuẫn Biển Đông và nhấn mạnh đến tự do hàng hải, mong muốn đàm thoại với các quốc gia tiến đến mục tiêu hòa bình. Tuy nhiên, chính quyền mới thời Tổng thống Trump vẫn tỏ ra “cứng rắn”. Điều này xem như là việc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington trong vấn đề Biển Đông, vấn đề của Đài Loan và cả vấn đề thương mại toàn cầu.
Mỹ luôn khẳng định lợi ích của mình và các mâu thuẫn tranh chấp Biển Đông. Cho dù thế nào đi chăng nữa, sự đe dọa và hành động quân sự sẽ không phải là hướng đi tốt nhất giải quyết các vấn đề nóng bỏng tại Biển Đông trong thời điểm hiện tại.
(Theo scmp)