• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ mạnh mẽ chuyển hướng chiến lược về Syria

Thế giới 31/03/2017 12:20

(Tổ Quốc) - Chính sách ngoại giao của Mỹ với Syria hiện tại không còn tập trung vào việc buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.

Chính sách ngoại giao của Mỹ với Syria hiện tại không còn tập trung vào việc buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ngày 30/3 cho biết.

Động thái này đánh dấu sự chuyển dịch so với lập trường ban đầu của chính quyền Obama và dư luận Mỹ về số phận của ông Assad. Sự thay đổi này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ít nhất hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Quan điểm của chính quyền Trump cũng trái ngược với các cường quốc châu Âu, những người nhấn mạnh ông Assad phải từ chức.

Mỹ xác nhận lập trường

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã nói với một nhóm phóng viên ngày 30/3 rằng, khi chúng tôi xem xét các trận chiến có sự can dự, chúng tôi thấy việc thay đổi các ưu tiên và ưu tiên của chúng tôi sẽ không còn là buộc ông Assasd từ chức.

"Chúng tôi có nghĩ rằng ông ấy là một trở ngại không?" Có. Và chúng tôi sẽ tập trung vào việc buộc ông ấy ra đi không? Không", bà nói. "Điều mà chúng tôi sẽ tập trung là gây sức ép để có thể bắt đầu thay đổi Syria."

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. (Nguồn: Reuters)

Tại Ankara hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho biết vị trí dài hạn của Assad "sẽ do người Syria quyết định."

Chính quyền Obama, trong nhiều năm qua, đã tập trung vào việc đạt được thỏa thuận với Nga để hướng đến việc buộc ông Assad ra đi, dù Mỹ đã phân tán sự chú ý sang cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi Giáo (IS) – đã tuyên bố thành lập Caliphate tự xưng tại lãnh thổ ở Iraq và Syria vào năm 2014.

Ngay từ khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã nói việc đánh bại IS sẽ là một ưu tiên cao hơn so với thuyết phục Assad từ chức.

Haley, cựu thống đốc Nam Carolina, nói: "Chúng tôi không nhất thiết phải tập trung vào Assad theo cách mà chính quyền trước đó đã làm. "Ưu tiên của chúng tôi là thực sự chú tâm vào các cách thức mang lại hiệu quả, chúng tôi cần làm việc với ai để thực sự tạo sự khác biệt cho người dân Syria."

Hôm thứ Tư, bà Haley cáo buộc Nga, Iran và "chế độ Assad" đã phạm tội ác chiến tranh. Bà cũng nói rằng Mỹ ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình về Syria do LHQ dẫn đầu, rằng Syria sẽ không còn là "nơi ẩn náu an toàn cho bọn khủng bố" nữa và điều quan trọng là buộc "Iran và các nước hỗ trợ rời đi".

Một quan chức cao cấp của Trump nói với Reuters rằng những nhận xét của bà Haley phản ánh "sự tính toán về hiện thực, chấp nhận sự thật trên chiến trường.... Còn ông  Assad sẽ không bao giờ có đủ lực lượng để khẳng định lại sự kiểm soát trên cả nước ... Trọng tâm của chúng tôi là đánh bại ISIS và al Qaeda và ngăn Syria không còn được sử dụng như là một thiên đường an toàn khủng bố."

Phản đối mạnh mẽ

Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham, trong các tuyên bố riêng biệt, với những lời phát biểu mạnh mẽ, đã lên án sự thay đổi lập trường của chính quyền Mỹ.

Ông McCain – Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói tuyên bố của Tillerson "bỏ qua thực tế bi thảm rằng người Syria không thể quyết định số phận của Assad hoặc tương lai của đất nước họ khi họ đang bị tàn sát" bởi quân đội Assad, không quân Nga và lực lượng dân quân được Iran hỗ trợ.

"Tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ làm rõ rằng nước Mỹ sẽ không đi theo con đường tự huỷ hoại và tự hủy diệt này", ông McCain cho biết thêm rằng các đồng minh Mỹ có thể lo ngại một thỏa thuận khi Assad và Nga "đưa ra lời hứa hẹn trống rỗng về sự hợp tác chống khủng bố."

Graham, cũng thuộc Uỷ ban quân vụ Mỹ và là một thành viên diều hâu về đối ngoại, đã nói rằng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi loại bỏ ông Assad là một mục tiêu trong hoà bình Syria và đây sẽ là một tin tức tồi tệ cho phe đối lập Syria và các đồng minh Hoa Kỳ Trong khu vực.

Bên cạnh đó, để Assad nắm quyền là "một phần thưởng tuyệt vời cho Nga và Iran," Graham nói.

Anh và Pháp cũng đã củng cố quan điểm của họ về ông  Assad vào hôm thứ năm.

Đại sứ Pháp Francois Delattre nói với các phóng viên: "Assad không và không thể là tương lai tại đất nước ông ấy."

Những thông điệp mâu thuẫn

Thành viên phe đối lập Syria Farah al-Attasi cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đang gửi đi những thông điệp mâu thuẫn về Syria, thay vào đó, nên dẫn đầu về cuộc xung đột tại đây cũng như giảm sự chú ý vào cuộc chiến chống IS.

Robert Ford, người đã từ chức vào năm 2014 với tư cách là đại sứ Mỹ tại Syria do những bất đồng về chính sách, cho biết chính sách của chính phủ Mỹ từ cuối năm 2014 đã tập trung cụ thể hơn vào cuộc chiến chống lại IS và al-Qaeda, "thậm chí họ (chính quyền Mỹ) chưa từng thừa nhận rằng ưu tiên về Syria đã bị chuyển hướng."

"Lời tuyên bố của Đại sứ Haley chỉ xác nhận rằng chính quyền của Trump đang đi theo con đường tương tự", Ford, hiện giờ đang là chuyên gia tại Viện nghiên cứu về Trung Đông và là thành viên cao cấp tại Đại học Yale, nói.

Kể từ cuộc nổi dậy dẫn tới cuộc nội chiến kéo dài sáu năm ở Syria, chính quyền Obama đã nhấn mạnh rằng Assad phải ra đi.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2014, khi Washington tăng cường ủng hộ cho các lực lượng nổi dậy trung hoà để chống lại chế độ của Assad, các quan chức Mỹ đã thừa nhận rằng ông Assad sẽ không sớm ra đi và rằng có nhiều khó khăn để buộc ông ấy từ chức.

Đến tháng 9/2015, Ngoại trưởng Mỹ Kerry (tại thời điểm đó) cho biết ông Assad vẫn phải từ bỏ quyền lực nhưng thời điểm ra đi của ông nên được quyết định thông qua đàm phán.

Rõ ràng, chính sách của Mỹ về Syria đang dần thay đổi theo tình hình chiến lược – điều có thể khiến Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất về lập trường đối với cuộc xung đột Syria.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ