• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ "mở đường" để Trung Quốc đảo ngoặt chiến lược và "hưởng trái ngọt" tại Trung Đông

Thế giới 09/09/2020 14:56

(Tổ Quốc) - Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và "hưởng lợi" tại Trung Đông trong khi vai trò của Mỹ tại khu vực ngày càng bị thu hẹp.

Phần lớn giới phê bình đều đánh giá, động cơ thực sự khiến Mỹ quyết định tham chiến tại Iraq vào năm 2003 là nhằm nắm quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ lớn thứ hai thế giới của quốc gia Trung Đông.

Tuy nhiên, tờ Financial Times nhận định, nếu dầu mỏ và ảnh hưởng là phần thưởng cho sự hiện diện tại Iraq thì dường như Trung Quốc – chứ không phải Mỹ, mới là bên giành thắng lợi trong và sau cuộc chiến tranh Iraq mặc dù không phải bỏ ra một viên đạn nào.

Ngày nay, Trung Quốc không chỉ là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới mà còn là đối tác thương mại số một của Iraq. Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu dầu từ Iraq sang Trung Quốc tăng gần 30% so với năm trước và chiếm hơn 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Trong chuyến công du tới Bắc Kinh vào năm ngoái, Thủ tướng Iraq lúc đó Adel Abdul Mahdi đã gọi mối quan hệ Iraq-Trung Quốc là hướng tới một "cú nhảy lượng tử". Còn Bộ trưởng Điện Iraq khẳng định, "Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu cho vai trò đối tác chiến lược của chúng ta trong dài hạn".

Mỹ "mở đường" để Trung Quốc đảo ngoặt chiến lược và "hưởng trái ngọt" tại Trung Đông - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: FT)

Ở trạng thái đối ngược, xuất khẩu dầu của Iraq sang Mỹ đã giảm gần một nửa trong 6 tháng đầu năm nay. Lầu Năm góc cũng dự định giảm tiếp 1/3 số lượng lính Mỹ còn đóng tại Iraq trong những tháng tới.

Xu thế tương tự đang diễn ra ở Afghanista khi cuộc chiến dài nhất mà nước Mỹ tham gia đang dần tới hồi kết. Giới chức Afghanistan và Pakistan chia sẻ với Financial Times rằng, Bắc Kinh hiện rất tích cực tìm cách kiểm soát tiến trình hòa bình, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp cho lực lượng Taliban những khoản đầu tư khổng lồ sau khi Mỹ rời đi hoàn toàn.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trên toàn Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh thái độ cam kết của Washington đang vấp phải nhiều nghi ngờ từ các đồng minh khu vực và ngay cả trong nội bộ Mỹ. Bắc Kinh hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Đông. Họ cũng đã đạt được mối quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước Vùng Vịnh ngoại trừ Bahrain. Không chỉ nhận đầu tư từ Trung Quốc, các đồng minh truyền thống của Mỹ còn sẵn lòng trở thành khách hàng mua vũ khí và công nghệ quân sự từ quốc gia châu Á.

Ba năm trước, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc được thành lập tại Djibouti. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh vào các cảng thương mại có thể dễ dàng chuyển đổi thành cảng hải quân tại các địa điểm chiến lược khác, bao gồm cảng Gwadar tại Pakistan và Duqm tại Oman…

Bên cạnh Eo biển Malacca (giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia), Trung Quốc cũng coi Eo Hormuz và Eo Bab al-Mandab là những điểm nhấn quan trọng cho sinh tồn kinh tế và quân sự của mình. Nguyên nhân chính là phần lớn nguồn năng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc đều được chuyên chở qua những khu vực này.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang tuột dốc không phanh, việc nhanh chóng nắm quyền kiểm soát các vùng biển và giảm khả năng can thiệp của Mỹ trong trường hợp xung đột xảy ra - đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết cho Bắc Kinh. Đó cũng là lý do chính để Trung Quốc mở rộng sức mạnh hải quân của mình.

Mỹ "mở đường" để Trung Quốc đảo ngoặt chiến lược và "hưởng trái ngọt" tại Trung Đông - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du tới Tehran vào tháng 1/2016 (ảnh: SCMP)

Cho tới gần đây, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách "làm bạn nhưng không làm đồng minh" tại Trung Đông. Thành công của cách tiếp cận này được chứng minh với việc Trung Quốc đạt được thỏa thuận đầu tư và an ninh trị giá 400 tỷ USD vói Iran trong khi vẫn hỗ trợ chương trình hạt nhân cho đối thủ của Iran là Arab Saudi. Bắc Kinh cũng một mặt ủng hộ hoàn toàn cho chính quyền Palestine, mặt khác lại thuyết phục thành công để Israel chia sẻ công nghệ cao và cho các doanh nghiệp Trung Quốc mượn các cảng chiến lược.

Tuy nhiên, dấu hiệu rõ ràng nhất về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại Trung Đông là tuyên bố công khai và các lá thư chung gửi tới Liên Hợp Quốc từ các nước như Arab Saudi, Hy Lạp, Kuwait, Iraq và UAE - trong đó đều khen ngợi những biện pháp của chính quyền Trung Quốc triển khai tại Tân Cương là cần thiết để "đối phó với khủng bố và phong trào li khai" và đem lại "hạnh phúc, thịnh vượng và an ninh" cho cộng đồng người Hồi giáo ở đây.

Vai trò sụt giảm của Mỹ tại Trung Đông ngày càng trở nên rõ ràng, trong khi các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc lại "hưởng thụ" mọi lợi ích. Chính quyền Tổng thống Barack Obama là bên đầu tiên đề xuất "hướng về châu Á", nhằm tái thiết lập ưu tiên ngoại giao và quân sự của Mỹ vào Châu Á – Thái Bình Dương, từ đó tạo ra thế đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Chiến lược này cũng được chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục theo đuổi.

Tuy nhiên, Financial Times nhận định, quyết định rút lui của Mỹ giờ đây lại trở nên phức tạp với sự hiện diện của Trung Quốc. Nếu mục tiêu của Mỹ là kiềm chế các tham vọng của Bắc Kinh tại châu Á, đồng thời hỗ trợ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, thì việc rời khỏi Trung Đông là điều cuối cùng họ nên làm.

Phần lớn các nước châu Á đều phụ thuộc vào vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển nhiều hơn cả Trung Quốc. Mất đi quyền kiểm soát các vùng biển xung quanh bán đảo Arab tới Bắc Kinh, sẽ buộc tất cả các quốc gia châu Á phải xem xét lại các liên minh chiến lược của mình và khiến họ dễ tác động hơn nữa trước các động thái ngoại giao của Trung Quốc.

Cho dù ai là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, người đó chắc chắn sẽ phải đối mặt với một thực tế "khó nhằn" liên quan tới cuộc chạy đua đồng thời kiềm chế Trung Quốc trên khắp khu vực Trung Đông.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ