• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ muốn thoát thế 'dựa dẫm' đối thủ về nguyên liệu quốc phòng

Thế giới 15/07/2022 10:42

(Tổ Quốc) - Hiện tại Mỹ đang nhập khẩu đáng kể các nguyên liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất quốc phòng, trong đó có nhiều loại nguyên liệu quan trọng đến từ Trung Quốc và Nga

Hạ viện Mỹ đã bắt đầu các cuộc thảo luận trong tuần này về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm (NDAA), trong đó tổng ngân sách năm nay có thể lập kỷ lục khoảng 840 tỷ USD. Trong số các điều khoản tài trợ quân sự được nêu trong dự luật thì năm nay còn có các yêu cầu tìm cách hạn chế nhu cầu mua nguyên liệu quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga.

Hiện tại, Lầu Năm Góc phụ thuộc rất nhiều vào các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả hai đối thủ chính của họ, về các khoáng sản quan trọng mà họ cần để sản xuất công nghệ quốc phòng, vũ khí và máy móc như máy bay chiến đấu, tên lửa và xe tăng.

Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu Quốc hội Mỹ từ năm 2019, quốc gia này nhập khẩu 100% 14 loại khoáng sản trong danh sách khoáng sản quan trọng và nhập khẩu hơn 75% đối với 10 loại khoáng sản khác.

Hướng đến giảm sự lệ thuộc vào đối thủ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Joni Ernst của Iowa đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách hợp tác với Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Joe Manchin từ Tây Virginia, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, để thúc đẩy một dự luật được gọi là HARD Rock Act.

Nội dung dự luật này, đã được đưa vào NDAA, sẽ trao cho đơn vị quản lý vật liệu của Mỹ quyền cập nhật danh sách mua nguyên liệu đồng thời Lầu Năm Góc sẽ đánh giá các đồng minh mới để xem họ có đủ tin cậy để Mỹ tiến hành mua nguyên liệu quốc phòng hay không.

Bà Ernst nói với Newsweek: "Dự luật trên hỗ trợ được an ninh quốc gia vì những khoáng sản quan trọng này rất cần thiết trong việc hiện đại hóa nền quốc phòng của chúng ta. Và một phần khó khăn là chúng ta hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc và các đối thủ khác về nguồn cung cấp những nguyên liệu này."

Mỹ muốn thoát thế 'dựa dẫm' đối thủ về nguyên liệu quốc phòng - Ảnh 1.

Nhu cầu sử dụng vũ khí của quân đội Mỹ và đồng minh là rất lớn. Ảnh: Getty.

Dự luật của hai nghị sĩ Ernst và Manchin tìm cách hướng đến các nguồn cung cấp mới đối với các thành phần quan trọng trong công nghệ an ninh quốc gia ở cả Mỹ và các đồng minh của họ ở nước ngoài.

Bà Ernst nói: "Mục tiêu của động thái này là thúc đẩy Lầu Năm Góc tái tập trung vào kho dự trữ quốc phòng để chúng tôi có thể đảm bảo được lượng nguyên liệu đến từ các đối tác và đồng minh, đồng thời mở rộng hơn nữa nguồn cung nội địa của chúng tôi và sau đó chấm dứt sự phụ thuộc vào các đối thủ. Sẽ không hợp lý khi chúng ta dựa vào những đối thủ của mình trong những vấn đề liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta."

Kho dự trữ quốc phòng (NDS) có vai trò đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các nguyên liệu quan trọng và chiến lược có thể được sử dụng để cung cấp cho các nhà sản xuất quốc phòng và dân sự hàng hóa mà họ cần để sản xuất các thiết bị thiết yếu trong các trường hợp khẩn cấp và thời chiến.

Một số khoáng chất xuất hiện trong danh sách mà NDS yêu cầu cho kho dự trữ của mình bao gồm coban, lithium, hợp kim titan, nhôm và kẽm. Chẳng hạn, titan được sử dụng để chế tạo máy bay chiến đấu F-22 của Không quân. Cobalt được dùng trong chế tạo tên lửa javelin. Lithium – ngoài việc là một nguyên tố thiết yếu để sản xuất pin – thì cũng đóng một vai trò quan trọng trong "gần như mọi hệ thống vũ khí" được Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) sử dụng. Theo BloombergNEF, Trung Quốc là số một thế giới khi nhắc đến chuỗi cung ứng pin lithium-ion.

Thay đổi cách tiếp cận về khai thác mỏ, đảm bảo chuỗi cung ứng

Nghị sĩ Ernst nói với Newsweek: "Chúng tôi đã thấy xu hướng tự cung tự cấp được chú ý tới trong đại dịch Covid-19, khi chúng tôi thấy rằng mình quá phụ thuộc vào Trung Quốc cho những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, nhưng sau đó chúng tôi càng nghiên cứu sâu hơn thì còn thấy thêm các vấn về đề an ninh quốc gia. Bây giờ là lúc để tiếp tục điều này và đảm bảo rằng chúng tôi đang phát triển các phương tiện cần thiết để cung cấp cho các nhà thầu quốc phòng những gì họ cần để bảo vệ quốc gia của chúng tôi."

DOD tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự chủ về nguyên vật liệu và việc họ chấp thuận đạo luật Hard Rock. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jessica R. Maxwell đã đưa ra một tuyên bố cảm ơn Ernst, Manchin và các nhà lập pháp khác tham gia vào đạo luật này vì sự nỗ lực của họ trong việc "nêu bật sự cần thiết của một chuỗi cung ứng mạnh mẽ đối với các nguyên liệu chiến lược và quan trọng."

Bà Maxwell đã đề cập đến Bản tổng kết về hàng hóa khoáng sản năm 2022 do Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ thực hiện để chứng minh mức độ Mỹ đang dựa vào các đối thủ của mình về mặt nguyên liệu quốc phòng. Trong số 64 mặt hàng được liệt kê, 39 mặt hàng có Trung Quốc hoặc Nga là nguồn nhập khẩu chính.

Bà Ernst coi việc đầu tư vào khai thác trong nước và mua sắm từ các đồng minh không chỉ mang lại lợi ích cho an ninh và phúc lợi của các quốc gia mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng quốc tế.

Các khoáng chất như coban, liti và các nguyên tố đất hiếm rất nguy hiểm đối với mỏ và quá trình khai thác chúng có thể gây hại cho môi trường. Lao động trẻ em và tai nạn đã diễn ra khi khai thác coban ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Khai thác liti có thể gây hại cho đất và ô nhiễm không khí. Bà Ernst nói với Newsweek: "Chúng tôi có một tiêu chuẩn rất cao khi nói đến an toàn tại nơi làm việc và đảm bảo rằng môi trường cũng được bảo vệ…. Chúng tôi cũng có công nghệ và sự chăm sóc nhân đạo cần thiết để khai thác theo cách thích hợp. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi nên thúc đẩy quá trình khai thác này, bởi chúng tôi có thể cung cấp các công nghệ tốt hơn. Chúng tôi sẽ sẵn sàng đầu tư những gì cần thiết để khai thác nguyên liệu một cách an toàn, chăm sóc người lao động và đảm bảo rằng chúng tôi đang bảo vệ môi trường."

Các biện pháp như vậy cũng thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận đã tồn tại gần 15 năm nay của Mỹ đối với việc khai thác mỏ. Kể từ năm 2008, khi Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp CDC báo cáo có 14.907 mỏ đang hoạt động, Mỹ đã không mở rộng các mỏ khai thác. Ngày nay, Mỹ có 12.714 mỏ đang hoạt động.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ