(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã nhận được sự ủng hộ từ các đối thủ Nga và Trung Quốc về giải pháp chính cho thỏa thuận hòa bình mà họ đang đàm phán ở Afghanistan - rút quân để đổi lấy Taliban cam kết không chào đón những kẻ cực đoan nước ngoài.
Zalmay Khalilzad, đặc phái viên Hoa Kỳ, người sắp tổ chức vòng đàm phán mới nhất với Taliban, gọi sự đồng thuận này là "cột mốc" trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh sau khi ông gặp đại diện Nga và Trung Quốc tại Moscow.
Một tuyên bố chung của ba nước kêu gọi tiến trình hòa bình "do người Afghanistan dẫn đầu" và những điểm được nêu ra dự kiến sẽ có trong một thỏa thuận cuối cùng.
"Ba bên kêu gọi quân đội nước ngoài rút quân có trật tự và có trách nhiệm khỏi Afghanistan như một phần của tiến trình hòa bình chung", tuyên bố do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra.
Chiến sự Afghanistan đã là một điểm nóng toàn cầu trong thời gian dài. (Nguồn: Yahoo News/ AFP)
Họ cũng nói rằng Taliban đã đưa ra một "cam kết" chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan và cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda.
Taliban đã hứa "đảm bảo các khu vực mà họ kiểm soát sẽ không được sử dụng để đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác", tuyên bố này cho biết và kêu gọi Taliban ngăn chặn bất kỳ "hoạt động tuyển dụng, đào tạo và gây quỹ khủng bố nào".
Khalilzad nói rằng tuyên bố này, cùng với các cuộc đàm phán hồi đầu tuần tại London với các đặc phái viên châu Âu, "có nghĩa là chúng tôi có một sự đồng thuận quốc tế mới về cách tiếp cận của Mỹ để chấm dứt chiến tranh và đảm bảo khủng bố không bao giờ xuất phát từ Afghanistan."
"Nhiều việc phải làm nhưng cột mốc này là quan trọng", ông tweet.
Tổng thống Donald Trump mong muốn chấm dứt cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay của Mỹ, được phát động để đáp trả các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi đó chế độ Taliban đã che chở cho Al-Qaeda.
Nga và Trung Quốc đều có lợi ích mạnh mẽ ở Afghanistan. Khoảng 14.000 binh sĩ Liên Xô đã bị giết ở Afghanistan từ năm 1979 đến 1989 trong cuộc xung đột với quân du kích Hồi giáo.
Trung Quốc đang đẩy mạnh sự hiện diện vào Afghanistan cả về quân sự và kinh tế khi họ lên tiếng lo ngại rằng các chiến binh có thể lẻn vào khu vực Tân Cương có đa số Hồi giáo của nước này.
Khalilzad cũng sẽ có cuộc hội đàm riêng trong chuyến đi mới nhất của ông với Pakistan và Ấn Độ, nơi có quan điểm khác biệt mạnh mẽ về Afghanistan.
Một điểm nhấn chính là việc Taliban từ chối đàm phán với chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.
Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc kêu gọi Taliban đối thoại càng sớm càng tốt với một "phái đoàn Afghanistan quy mô rộng, bao gồm cả chính phủ".