(Tổ Quốc) - Một điều khoản mới trong dự luật ngân sách quốc phòng Mỹ khiến khả năng Ấn Độ bị trừng phạt khi mua hệ thống phòng không tên lửa từ Nga giảm xuống.
- 26.07.2018 Thực hư S-400 Nga đã vào tay Trung Quốc
Bản cuối dự thảo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (NDAA) năm tài khóa 2019, một thỏa hiệp giữa Thượng viện và Hạ viện, sẽ cấp cho chính quyền Trump quyền miễn trừ trừng phạt cho một số quốc gia mua thiết bị quân sự của Nga theo khuôn khổ Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt CAATSA.
Khi được thông qua, ấn bản chính thức của NDAA sẽ miễn trừ ba nước - Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam – khỏi các lệnh trừng phạt theo CAATSA, được thông qua vào tháng 8/2017 và có hiệu lực vào tháng 1/2018. CAATSA được đưa ra để thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng cũng áp dụng đối với các nước mua vũ khí từ Moscow.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đang là một trong những loại vũ khí ăn khách nhất của Nga. (Nguồn: AFP) |
NDAA "cho thấy sự linh hoạt đối với các đối tác chiến lược và các đồng minh trong việc để họ tránh xa sử dụng thiết bị quân sự của Nga và chuyển sang các thiết bị của Mỹ, trong khi đảm bảo rằng quyền lợi quốc phòng và an ninh của Mỹ vẫn được bảo vệ, thông qua sự miễn trừ có điều chỉnh theo khuôn khổ [CAATSA]," Báo cáo về NDAA, công bố vào ngày 23/7 cho hay.
Theo NDAA năm tài chính 2019, một trong ba nước trên vẫn có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt khi mua phần cứng quân sự mới từ Nga với giá trên 15 triệu USD. Do đó, Ấn Độ vẫn có thể bị trừng phạt nếu họ quyết định thúc đẩy việc mua sắm tới năm trung đoàn hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf do Nga sản xuất.
Tổng giá trị hợp đồng cho 5 trung đoàn S-400 ước tính khoảng 5,5 tỷ USD. Ấn Độ và Nga được cho là đã kết thúc đàm phán giá cả trong tháng 5. Việc ký kết hợp đồng được dự kiến diễn ra trong một cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến vào đầu tháng 10 tới.
Dù sao, việc được miễn trừ cũng giảm khả năng bị trừng phạt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết trong một lá thư gửi Quốc hội vào ngày 20/7 rằng, "Câu hỏi cơ bản mà chúng ta phải tự hỏi là, chúng ta muốn tăng cường các đối tác ở các vùng trọng điểm hay để họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang Nga, theo đó phá hoại cơ hội hiếm có để gắn kết chặt chẽ hơn các quốc gia với Tầm nhìn của Mỹ về an ninh và ổn định toàn cầu. ”
Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu về bản cuối của NDAA trong tuần này. Còn Thượng viện sẽ bỏ phiếu vào tháng 8. Khi văn bản này đã được cả hai viện thông qua, Tổng thống Mỹ sẽ ký thành luật.