(Tổ Quốc) - Mỹ đã tăng cường tham gia vào các cuộc tập trận quân sự ở Mỹ Latinh trong những năm gần đây, một phần để phản ứng trước sự gia tăng ảnh hưởng khu vực của Nga và Trung Quốc.
Theo Sputnik, từ xưa đến nay, Washington luôn coi Mỹ Latinh là sân sau của riêng mình. Theo đó, Tổng thống Mỹ James Monroe đã nói rõ quan điểm đó vào năm 1823 trong một học thuyết được đặt theo tên ông. Và hiện nay, tại khu vực này, Mỹ đang ngày càng lo ngại vai trò đang lên của Nga và Trung Quốc.
Không quên Mỹ Latinh
"Khi nói đến Trung Quốc và Nga, chúng tôi đang xem xét sự hợp tác ở những nơi có thể và đẩy lùi (họ-pv) mạnh mẽ ở những nơi chúng tôi phải làm", Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, David Goldfein nói với tờ Foreign Policy trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/2018. "Chúng tôi theo dõi chặt chẽ các hoạt động của họ trên toàn cầu, và chắc chắn chúng tôi có theo dõi các hoạt động của họ [ở Mỹ Latinh]."
Trong chuyến công du tới một số nước Mỹ Latinh hồi tháng 8 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó Jim Mattis đã nhận xét: "Chúng tôi coi Mỹ Latinh là hàng xóm của mình. Một số người nói chúng tôi không chú ý đến nơi này. Điều đó chắc chắn không đúng với quân đội." Ông Mattis là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đến thăm khu vực này kể từ năm 2014.
Theo Thiếu tá Joost Verduyn, phát ngôn viên của Không quân thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam, Mỹ đã tăng cường tham gia trong các cuộc tập trận quân sự khu vực những năm gần đây, mặc dù số lượng cuộc tập trận không tăng.
Không quân Mỹ tiếp nhiên liệu cho máy bay F22 và F18. (Nguồn: US Airforce)
"Điều đang gia tăng là sự tham gia vào các bài tập này", Verduyn nói với Military.com. "Triển lãm hàng không ở Chile hồi đầu năm ngoái đã có điểm nhấn là F-35 và Không quân Hoa Kỳ cũng gửi nhiều máy bay tham gia chương trình này hơn trước đây. Sự tham gia của Mỹ và đối tác trong các cuộc tập trận ở Nam Mỹ cũng tiếp tục được thúc đẩy."
Các ví dụ khác về sự tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực bao gồm các cuộc tập trận không đối không do Không quân Colombia tổ chức vào tháng 7 năm ngoái; một cuộc tập trận không quân 12 quốc gia được tổ chức tại Arizona vào tháng 7 năm ngoái; một cuộc tập trận không đối không do Brazil tổ chức vào tháng 11 năm ngoái - có sự tham gia của tám quốc gia; và việc triển khai tàu y tế của Hải quân Hoa Kỳ USNS Comfort đến thành phố Turbo của Colombia vào tháng 8 để hỗ trợ người tị nạn Venezuela ở nước này.
"Gần như mỗi tuần trong năm, Không quân 12 (Không quân miền Nam) và Không quân Hoa Kỳ đều tiến hành các cuộc trao đổi chuyên môn quy mô nhỏ ở Trung - Nam Mỹ và Caribbean," Verduyn nói với Military.com.
Tuy nhiên, phải nói đến một thực tế là ngân sách của Hoa Kỳ cho các lực lượng quân sự trong khu vực vẫn không tăng đáng kể.
"Vì không có quốc gia nào trong khu vực gây ra mối đe dọa quân sự thông thường và trực tiếp đối với Hoa Kỳ, Mỹ Latinh có xu hướng bị xếp hạng khá thấp về các ưu tiên phân bổ lực lượng", một cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ (Southcom) đã viết.
W. Alejandro Sanchez, một cây viết cho Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế, chuyên về các vấn đề an ninh Mỹ Latinh và Caribbean, chia sẻ với Military.com trong một bài báo gần đây rằng, dù ông Mattis nói như vậy, "không có sự gia tăng rõ rệt nào đối với ngân sách hoặc tài sản của Southcom…. Hải quân Mỹ [thậm chí] không cung cấp cho họ những tàu khu trục không dùng tới khi họ có yêu cầu để phục vụ cho việc chống buôn bán ma túy ở vùng biển Caribbean. "
Sức ép từ Nga, Trung
Nhà báo Daniel Lazare chia sẻ với Sputnik hôm thứ Năm, những hành động của Washington ở Mỹ Latinh gần đây phần nào là được thúc đẩy từ phía Nga và Trung Quốc.
Vào tháng 9, tàu y tế của Hải quân Trung Quốc, tàu Peace Ark tới cảng La Guaira, Venezuela, như một phần của chuyến đi đến 11 quốc gia. Hầu hết các điểm đến là các quốc đảo Thái Bình Dương, Navy Times đưa tin.
Sau đó vào giữa tháng 12, hai máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 của Không quân Nga đã bay tới Venezuela để diễn tập. Các máy bay ném bom khổng lồ này, có biệt danh "Thiên nga trắng", đã thực hiện các bài tập cơ bản trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, Sputnik đưa tin vào thời điểm đó.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay ném bom của Nga đến thăm quốc gia Caribbean này, nhưng Colombia và Hoa Kỳ đã tỏ ra bối rối về sự hiện diện của chúng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ trích Nga vì đã gửi máy bay ném bom đi "nửa vòng trái đất đến Venezuela", và Tổng thống Colombia Ivan Duque gọi động thái này là không thân thiện.
Trang Foreign Policy cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực này là khai thác trữ lượng dầu mỏ khổng lồ và củng cố làn sóng tách rời Mỹ. "Một bậc thầy trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư kinh tế trực tiếp để thúc đẩy lợi ích địa chính trị", ấn phẩm này viết, Trung Quốc hiện đã trở thành điểm đến chính cho xuất khẩu từ bảy quốc gia Mỹ Latinh và đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của 5 quốc gia ở đây.
Moise Rendon, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: "Người Colombia lo ngại rằng Hoa Kỳ đang rời bỏ khu vực này và tạo ra một khoảng trống- điều tạo cơ hội cho các bên khác sẽ lấp đầy". Colombia "không thể nói không với Trung Quốc, bởi vì họ đang cung cấp cơ hội và đầu tư, [trong khi] Mỹ không cung cấp các loại cơ hội tương tự."
Trong khi đó, Nga đã tìm thấy một điểm đến thích hợp trong các giao dịch vũ khí, cung cấp cho Venezuela và Bolivia nhiều phần cứng quân sự.