(Tổ Quốc) - Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào xuất khẩu quân sự của Nga đã đe dọa tới thỏa thuận vũ khí 6 tỷ USD giữa Moscow với Ấn Độ.
- 18.04.2018 “Trả đòn” trừng phạt Mỹ, Nga nhắm vào NATO?
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào xuất khẩu quân sự của Nga đã đe dọa tới thỏa thuận vũ khí 6 tỷ USD giữa Moscow với Ấn Độ và cũng có thể làm gián đoạn việc mua vũ khí của các đồng minh Hoa Kỳ khác trên khắp châu Á, các chuyên gia cho biết.
Theo Đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký vào tháng 8/2017, mọi giao dịch của các quốc gia với Nga về lĩnh vực quốc phòng và tình báo sẽ bị trừng phạt.
Theo Reuters, đạo luật này được xây dựng để trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sáp nhập Crimea năm 2014, tham gia vào cuộc nội chiến Syria và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Và từ đạo luật này, các đồng minh của Mỹ hiện đang mua vũ khí và trang thiết bị từ Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, cũng có thể bị ảnh hưởng.
Đe dọa tới thương vụ vũ khí khổng lồ
Quốc gia bị ảnh hưởng lớn ngay trước mắt là Ấn Độ. Delhi đang muốn mua năm hệ thống tên lửa tầm xa đất đối không S-400 từ Nga. Quân đội Ấn Độ nhận định rằng hệ thống này có sức mạnh thay đổi thế trận địa chính trị hiện nay. S-400 được giới thiệu là có thể chống lại tên lửa đạn đạo và máy bay tàng hình mà Trung Quốc đang phát triển, trong khi có thể áp đảo năng lực quân sự của Pakistan – một đối thủ chính khác của Ấn Độ.
Thỏa thuận về S-400, được ông Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kí kết như một phần trong các thỏa thuận liên chính phủ vào năm 2016, đã bị ảnh hưởng bởi đạo luật trừng phạt của Hoa Kỳ, hai quan chức ở Delhi cho biết.
Còn Indonesia, đang có quan hệ tích cực với Hoa Kỳ, hiện cũng một thương vụ trị giá 1,14 tỷ USD với Nga cho các máy bay Sukhoi.
Nga hiện đang là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới với nhiều đối tác toàn cầu. |
Do tập đoàn quốc phòng Không quân và Không gian Almaz-Antey, hãng sản xuất S-400 và Rosoboronexport –bên đàm phán các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí của Nga cũng bị nêu tên trong lệnh trừng phạt CAATSA, những thương vụ trên trở nên phức tạp hơn.
"Từ quan điểm của các nước phương Tây, việc mua mua vũ khí lớn từ Nga là khá 'khó chịu', đặc biệt là tại thời điểm quan hệ Nga- phươngTây đang ở mức thấp trong lịch sử. Còn Ấn Độ, đang tìm kiếm sự gắn kết chiến lược với phương Tây, bao gồm với Mỹ " Abhijnan Rej, chuyên gia chiến lược quốc phòng tại Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF)- một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi cho biết.
Các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu trong tháng này nhằm vào một số cơ sở của chính phủ Syria, một đồng minh của Nga, đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai cường quốc.
Một nguồn tin của Nga, thân cận với với thỏa thuận S-400 với Ấn Độ. cho biết "rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào sự tự tin và sự tỉnh táo của các đối tác Ấn Độ."
Vấn đề hóc búa?
Những ảnh hưởng của đạo luật trừng phạt từ Hoa Kỳ có thể đe dọa tới nhiều bên hơn dự kiến, Cara Abercrombie -một học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ) cho biết.
Indonesia cho biết việc giao hai chiếc máy bay Sukhoi Su-35 đầu tiên trong tổng số 11 chiếc sẽ diễn ra trong năm nay. Các quan chức quốc phòng Indonesia từ chối nói về những cách thức họ có thể thực hiện để giải quyết những khó khăn mà đạo luật trừng phạt từ Mỹ ảnh hưởng tới việc mua bán vũ khí với Nga.
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale và quan chức quốc phòng Sanjay Mitra đã thảo luận với các quan chức Mỹ tại Washington hồi tháng trước để tìm cách giải quyết vấn đề trên, một quan chức Ấn Độ nói.
Vấn đề này rất quan trọng đối với quân đội Ấn Độ, bởi vì nếu không có các bộ phận, nguồn cung cấp và hỗ trợ bảo trì của Nga, "các tàu của chúng tôi sẽ không chạy, máy bay của chúng tôi sẽ không bay", quan chức này nói. "Chúng tôi khó có thể trở thành nhà bảo trợ cho an ninh khu vực mà nước Mỹ đang muốn chúng tôi vươn tới".
Một cách để tránh những hệ lụy tiếp theo khi Mỹ tăng cường trừng phạt Nga là Ấn Độ phải giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga, theo Atman Trivedi, giám đốc điều hành của Hills & Company, một công ty có trụ sở tại Washington tư vấn về thương mại và đầu tư quốc tế.
Các hệ thống vũ khí của Nga chiếm 62% tổng vũ khí Ấn Độ nhập khẩu trong 5 năm qua, so với 79% trong năm 2008-2012, Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm SIPRI cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước.
Chính quyền Hoa Kỳ cũng có thể tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ, một đối tác quốc phòng lớn nếu Delhi tiếp tục thương vụ trên – điều sẽ làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã nổi lên như là nhà cung cấp vũ khí số 2 của Ấn Độ, với các thương vụ trị giá 15 tỷ USD trong thập kỷ qua. Hiện tại Lockheed Martin và Boeing đang dẫn đầu cuộc đua cung cấp cho Ấn Độ một đội máy bay ném bom chiến đấu mới, một trong những vụ thầu mở lớn nhất thế giới về quân sự.
Benjamin Schwartz, quan chức cấp cao về hàng không vũ trụ và quốc phòng tại Hội đồng kinh doanh Mỹ - Ấn, cho biết: “Mục đích của đạo luật này (CAATSA) không bao giờ là nhằm gián đoạn các mối quan hệ quốc phòng của Hoa Kỳ - Ấn Độ, mà Quốc hội đã nhiều lần khẳng định trong luật như một ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ.
Còn chuyên gia Abercrombie của Carnegie nói thêm rằng nếu Quốc hội Mỹ cấp quyền miễn trừ cho Ấn Độ, họ cũng có thể cần phải làm như vậy cho các nước khác như Indonesia.