• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ ra thông điệp mới tại lục địa đen: Không bỏ ngỏ vùng đất chiến lược

Thế giới 09/08/2022 11:26

(Tổ Quốc) - Hiện đang có chuyến thăm 3 nước châu Phi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ "không yêu cầu" châu Phi nên đưa ra lựa chọn bên nào và "bất kỳ ai khác cũng không nên làm như vậy".

Hiện đang ở Nam Phi trong chuyến công du châu lục này, ông Blinken đã công bố một chiến lược mới đối với khu vực, hứa hẹn thúc đẩy an ninh lương thực và phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng châu Phi cận Sahara, đồng thời cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga tại đây.

Tung ra chiến lược mới

Chiến lược này cho biết: "Không thể ứng phó với những thách thức mang tính xác định của thời đại này nếu không có sự đóng góp và tham gia lãnh đạo của châu Phi", đồng thời liệt kê biến đổi khí hậu, đại dịch coronavirus và khủng bố là các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Chiến lược này cũng ghi nhận không chỉ dân số đang tăng nhanh của châu Phi và quy mô khu vực thương mại ở đây, mà còn ảnh hưởng của nhóm này trong Liên Hợp Quốc.

Theo đánh giá của tờ Nikkei Asia, chiến lược này được đưa ra nhằm nhấn mạnh hơn nữa cam kết của Washington đối với khu vực, vốn không nằm ở vị trí hàng đầu trong chương trình ngoại giao dưới thời Tổng thống Joe Biden, người đã tập trung vào việc hàn gắn mối quan hệ với Châu Âu, Châu Á và Trung Đông.

Theo đó, chiến lược này sẽ định hướng việc xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ các quốc gia châu Phi trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Mỹ với các nhà lãnh đạo châu Phi dự kiến được tổ chức vào tháng 12 tới đây.

Về khía cạnh kinh tế, văn kiện nhấn mạnh sự hợp tác để thúc đẩy sản xuất lương thực và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Vấn đề này đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn từ sau những căng thẳng giữa Nga và Ukraine, điều khiến giá lương thực toàn cầu lên cao thêm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Chiến lược này cũng viết: "Thế giới nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của châu Phi và từ đó nhiều quốc gia đã tìm cách mở rộng sự kết nối về chính trị, kinh tế và an ninh với các quốc gia châu Phi". Về điểm này, Mỹ cũng phần nào lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc tại khu vực này.

51d477864b5c06c861e9849b88e8619c.jpg

Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nam Phi. Ảnh: BBC.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có chuyến công du châu Phi vào tháng trước, kêu gọi các nhà lãnh đạo không tham gia chiến dịch trừng phạt do phương Tây dẫn đầu nhằm vào Moscow. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga chiếm 44% lượng nhập khẩu vũ khí của châu Phi trong 5 năm đến năm 2021 - cao hơn gấp đôi so với lượng vũ khí Mỹ nhập vào đây.

Về quan hệ quốc tế của châu Phi, ông Blinken cũng nói rằng: "Nhiều lần, họ được yêu cầu chọn một bên trong các cuộc tranh giành quyền lực nước lớn", và đưa ra khẳng định: Washington sẽ "không yêu cầu" châu Phi nên đưa ra lựa chọn bên nào và "bất kỳ ai khác cũng không nên làm như vậy".

Ông Blinken cho biết Mỹ sẽ khởi động một đạo luật "mở ra hoạt động đầu tư trong hàng thập kỷ và tập trung vào việc thúc đẩy các xã hội hòa bình hơn, hòa nhập hơn, kiên cường hơn ở những nơi tiềm ẩn xung đột". Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, dự án sẽ nhận được 200 triệu USD mỗi năm trong suốt thập kỷ tới.

Tranh cãi về căng thẳng Nga - Ukraine

Có mặt tại Nam Phi, ông Blinken và người đồng cấp Nam Phi, Naledi Pandor, đã nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa họ trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, y tế và khoa học. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn bất đồng về tình hình xung đột Ukraine. Bà Pandor cho biết bà và ông Blinken đã có "các cuộc thảo luận rất thẳng thắn mà có 1 số vấn đề chúng tôi không nhất trí nhưng điều đó không phá vỡ tình bạn này. Trong thực tế, nó đã làm cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn."

Bà cũng một lần nữa chỉ trích dự thảo luật đang thông qua Quốc hội Mỹ mà bà cho rằng có thể trừng phạt các quốc gia châu Phi vì không làm rõ lập trường về cuộc xung đột Ukraine.

Mối quan hệ giữa Nam Phi và Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi Nam Phi giữ thái độ trung lập về tình hình Nga - Ukraine, từ chối tham gia các lời kêu gọi của phương Tây lên án Moscow.

Ông Blinken chỉ là nhà lãnh đạo nước ngoài cấp cao mới nhất đang cố gắng kết nối với châu Phi. Ngoài điểm đến Nam Phi, ông Blinken cũng sẽ thăm Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vào cuối tháng 7, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, đã đến thăm lục địa này và nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã phần nào khiến giá ngũ cốc ở châu Phi tăng vọt.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron đã đến thăm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau, nơi ông đã bác bỏ khẳng định của ông Lavrov rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc tăng giá lương thực.

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang gia tăng, châu Phi đang là một trong những khu vực thu hút nhiều sự quan tâm của các siêu cường nhằm giành được sự ủng hộ của lục địa này, đặc biệt là trước khi châu lục này đang chuẩn bị có các cuộc bầu cử lớn, bao gồm cả ở Kenya và Nigeria.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ