• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ rút quân "mở đường" cho liên minh khủng bố trỗi dậy tại Nam Á?

Thế giới 29/07/2020 13:24

(Tổ Quốc) - Bloomberg dẫn lời các quan chức an ninh cho hay, lợi dụng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, một liên minh khủng bố với mục tiêu phá hoại hòa bình khu vực, đang trỗi dậy tại Nam Á.

Các tổ chức vũ trang đóng ở Pakistan là Lashker-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed, nhóm Taliban ở Afghanistan và nhánh địa phương của IS là Khorasan – đã liên kết với nhau để thực hiện các cuộc đột kích nhằm vào tài sản của người Ấn Độ tại Kabul, cũng như tấn công một ngôi đền Sikh trong thành phố. Liên minh này dự kiến gia tăng tấn công vào các vùng khác tại Nam Á, bao gồm chống lại cả các quân lính tại vùng Kashmir của Ấn Độ.

Khả năng khủng bố trỗi dậy tại Nam Á – nơi chiếm ¼ tổng dân số thế giới và 1/3 trong số đó đang sống ở mức nghèo khổ, có thể khiến những nguồn lực vốn được sử dụng để giúp đỡ những người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lại bị sử dụng với mục đích khác. Nó cũng có thể dẫn tới một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan.

Mỹ rút quân "mở đường" cho liên minh khủng bố trỗi dậy tại Nam Á? - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ và Afghanistan tại tỉnh Kunar (ảnh: Bloomberg)

"Mối lo ngại từ lâu là những nhóm này đơn giản chỉ 'chờ đợi' sự hiện diện của Mỹ và quốc tế; và một khi sự hiện diện của quốc tế biến mất, chúng sẽ gây bất ổn Afghanistan và khu vực lớn hơn", học giả cấp cao Alyssa Ayres từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington và từng là thư ký thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - nhận định.

Mỹ đang rút quân khỏi Afghanistan theo một thỏa thuận hòa bình với Taliban. Tổng thống Donald Trump từng cam kết sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi "cuộc chiến không hồi kết". Mỹ đã giảm số lượng binh lính tại Afghanistan xuống còn khoảng 8.000 và trao trả lại một số căn cứ cho chính quyền địa phương.

Sau công bố hồi tháng 5 của Taliban về một lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày trong dịp lễ hội Eid al-Adha sắp tới, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bày tỏ thái độ hoan nghênh và lạc quan. Phát ngôn viên của Tổng thống Ghani là Sediq Sediqqi viết trên Twitter, dự kiến người đứng đầu chính phủ Afghanistan sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban trong vòng một tuần tới. Không lâu sau đó, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahed cũng đã lên tiếng xác nhận về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, người này cũng cảnh báo nếu phe đối lập thực hiện tấn công, "họ sẽ phải đối mặt với kháng cự mạnh mẽ".

Quan hệ hợp tác giữa các nhóm khủng bố

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan là Javid Faisal cho hay, Taliban "duy trì quan hệ tốt" với các tổ chức khủng bố quốc tế và khu vực, như al-Qaeda, IS, LeT…

"Quan hệ giữa các tổ chức khủng bố này và Taliban không chỉ gây bất ổn Afghanistan hoặc khu vực mà còn toàn bộ thế giới", ông Faisal nói. "Đáng lẽ họ [Taliban] phải cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố từ lâu, nhưng họ vẫn chưa làm vậy và họ sẽ không làm bởi vì tất cả đều chia sẻ cùng ý thức hệ".

Theo giới chức Ấn Độ, các ví dụ điển hình của mối quan hệ trên có thể kể tới vụ tấn công vào ngôi đền Sikh tại Kabul hồi tháng 3 khiến 25 người tử vong và các chiến dịch chống khủng bố tại tỉnh Nanghar hồi tháng 4 trong đó 14 tên khủng bố thuộc các nhóm vũ trang đóng tại Pakistan và cả lực lượng Taliban bị thiệt mạng. Nhiều cơ sở huấn luyện chung đã được lập nên ở miền nam và miền trung Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên.

Một quan chức Ấn Độ nhận định, những nỗ lực hướng tới hòa bình đang làm thay đổi các dòng chảy quyền lực tại Afghanistan. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc ước tính, tổng số tay súng Pakistan tham gia các nhóm khủng bố tại Afghanistan có thể lên tới 6.500 người.

Câu chuyện từ phía Ấn Độ

Lịch sử tranh chấp tại khu vực Nam Á cũng có thể là một trở ngại cho việc ngăn chặn nguy cơ liên minh khủng bố trỗi dậy. Trung tâm của căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là khu vực Kashmir – lãnh thổ tranh chấp mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền hoàn toàn.

Phía Pakistan tuyên bố, việc Mỹ rút quân sẽ không dẫn tới khả năng gia tăng bạo lực trong khu vực; tuy nhiên, tình hình Kashmir đang trở nên nóng hơn vì cách xử lý sai lầm của Ấn Độ. Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Narenda Moldi đã tước bỏ vị thế đặc biệt cho hai bang Jammu và Kashmir, đồng áp dụng chế độ điều hành liên bang tại đây.

"Cố gắng kết nối Afghanistan sau khi Mỹ rút quân với vấn đề Kashmir là một nỗ lực đen tối khác của Ấn Độ nhằm giữ cho khu vực ở một trạng thái tranh cãi", cơ quan truyền thông của quân đội Pakistan chỉ trích trong một thông cáo. "Cái gọi là các tin tức tình báo trong đó cáo buộc Pakistan theo đuổi một số chiến lược nào đó, đơn giản là vô căn cứ và rất đáng cười".

Trog khi đó, phát ngôn viên của Taliban là Mujahed đã phủ nhận có bất kỳ liên hệ nào với IS hoặc các nhóm khủng bố đóng tại Pakistan.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ