• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ - Singapore: Chèo lái trong thời kỳ biến động

Thế giới 03/08/2016 16:39

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Mỹ sẽ thúc đẩy mối quan hệ chủ chốt của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.  

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang có chuyến thăm Hoa Kỳ vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Nhưng quan trọng hơn, cả hai bên sẽ xem xét thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược thậm chí còn tiến xa hơn nữa, điều có ý nghĩa không chỉ cho hai nước mà còn cả khu vực.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Obama trong lễ tiếp đón ngày 2/8. (Nguồn: AP)

Theo cây viết Prashanth Parameswaran của The Diplomat, Singapore đã trở thành một đối tác không thể thiếu đối với Hoa Kỳ. Về mặt kinh tế, Singapore từ lâu đã nhận được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài từ Mỹ vào Đông Nam Á và là nước luôn hết sức mong muốn Mỹ tham gia vào nhóm thương mại P4 – hiện đã phát triển thành thỏa thuận Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.

Về mặt an ninh, Singapore là một điểm đến quan trọng trong cách tiếp cận của Mỹ như một cứ điểm chỉ huy hậu cần của Hải quân Mỹ để điều phối các hoạt động và các cuộc diễn tập cũng như là nơi cư trú của các tàu chiến đấu duyên hải và máy bay Poseidon P-8.

Quan chức Hoa Kỳ và Singapore nhấn mạnh rằng chuyến thăm này được thực hiện một phần để khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ này. Nhưng đối với chính quyền Obama, chuyến thăm này cũng là một cơ hội để mở rộng các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương, thúc đẩy những điều cả hai nước có thể hợp tác trong khu vực, và một số nội dung còn lại trong chương trình nghị sự về Đông Nam Á mà ông Obama muốn thực hiện trước khi kết thúc nhiệm kì.

Nền tảng vững chắc

Thứ nhất, về mối quan hệ song phương, các quan chức của cả hai bên cho rằng các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, khoa học, công nghệ cũng như các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy cả chiều rộng và chiều sâu cho mối quan hệ đối tác chiến lược của Hoa Kỳ-Singapore, đã được chính thức tuyên bố trong năm 2012.

Thứ hai, sẽ có một số công bố về những nội dung Mỹ và Singapore xem xét để hợp tác trong khu vực. Một số nội dung có thể là về mặt kinh tế, tiêu biểu như Chương trình đào tạo quốc gia thứ ba (TCTP) – khi hai nước đã cùng nhau mở rộng hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, tập trung chủ yếu vào khu vực tiểu vùng sông Mêkông.

Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng cho thấy Mỹ và Singapore có thể làm gì để thúc đẩy Kết nối Mỹ - ASEAN – nỗ lực gia tăng sự gắn kết kinh tế của Mỹ tại Đông Nam Á – lần đầu tiên được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands vào tháng 2.

Thứ ba và cuối cùng, chuyến thăm cũng sẽ được coi như một cánh cửa sổ nhìn vào chương trình nghị sự hiện nay của ông Obama đối với khu vực Đông Nam Á trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong bài phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hồi đầu tháng 7, Ben Rhodes, một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Obama, nói rằng sự kiện này là một "bàn đạp" cho chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á trong nửa cuối năm nay. Đây chắc chắn sẽ là những tháng rất sôi động. Một điều rõ ràng nhất là sự hiện diện của ông Obama tại vòng tiếp theo của thượng đỉnh ASEAN vào tháng 9 tới tại Lào, nơi ông cũng sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm đất nước này. Cũng có một số động thái mà chính quyền Mỹ đang quan tâm và sẽ dần được hé lộ khi sự kiện diễn ra như sự gặp gỡ với biểu tượng dân chủ của Myanmar và bây giờ là Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi vào tháng 9.

Vượt lên hỗn loạn

Trong khi chuyến thăm này là lợi thế thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược của Hoa Kỳ-Singapore, sự gắn kết này vẫn còn nhiều thách thức. Rõ ràng nhất là khi hai bên nỗ lực hợp tác, vẫn còn nhiều bất ổn ngay tại nước Mỹ và trên toàn thế giới. Sự hiện diện ổn định của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương đang bị thách thức với chính sách đối ngoại lấy bảo hộ trong nước làm trung tâm của ông Donald Trump và thậm chí là sự phản đối TPP của bà Clinton.

Singapore cũng đang dần thay đổi. Khi cả hai bên làm việc trong một bối cảnh chính trị cạnh tranh hơn, sự can dự tại hầu khắp các lĩnh vực của Mỹ có thể dẫn tới việc những khác biệt cũ về nhân quyền và dân chủ trở nên rõ rệt hơn. Singapore, trong khi đó, cần phải nỗ lực hơn để đạt được sự ủng hộ chính trị cần thiết trong nước để duy trì một chính sách đối ngoại phù hợp với một dân số đang phát triển sang đa ngôn ngữ.

Vượt ra tình hình chính trị mỗi nước, quan hệ  đối tác chiến lược của Mỹ-Singapore cũng đang phát triển trong một thế giới hỗn độn và ngày càng chia rẽ khi phải đối mặt với một loạt những thách thức như sự nguy hiểm của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, một Trung Đông “âm ỉ cháy”, sự hồi sinh của Nga, Trung Quốc gia tăng hiện diện, châu Âu đang yếu đi trong khi kinh tế toàn cầu suy giảm.

Những mối đe dọa này buộc hai nước phải mạnh dạn và sáng tạo để mở rộng quan hệ hơn nữa, có thể là thông qua việc tăng cường các cơ chế hợp tác song phương hoặc thậm chí tăng cường phối hợp với các quốc gia có cùng ý tưởng để bảo vệ trật tự toàn diện dựa trên luật pháp mà cả hai bên đều ủng hộ.

(Theo The Diplomat)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ