(Tổ Quốc) - Liệu Mỹ có thành công ngăn cản dự án đường ống Nord Stream 2 đi vào hoạt động trong năm nay?
Washington liên tục chỉ trích dự án đường ống khí đốt Nga-châu Âu Nord Stream 2 với lý do đe dọa tới an ninh và lo ngại châu Âu trở nên quá phụ thuộc vào Moscow. Thượng viện Mỹ đang cân nhắc trừng phạt dự án – theo kế hoạch sẽ hoàn thiện trong năm nay.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, những nỗ lực sử dụng trừng phạt để ngăn cản Nord Stream 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức dưới đáy biển Baltic và không cần quá cảnh tại Ukraine – có thể đã quá muộn. Trong khi công việc xây dựng dưới biển gần như đã xong và đường ống dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 thì Thượng viện Mỹ vẫn đang chưa bỏ phiếu về trừng phạt.
Đã quá muộn để Mỹ ngăn cản Nord Stream 2 hoạt động? (ảnh: Sputik)
Bloomberg dẫn lời ông Jonathan Stern, một học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, so sánh những nỗ lực trên với động thái tương tự của chính quyền Tổng thống Reagan nhằm hạn chế Liên Xô xuất khẩu khí đốt vào đầu những năm 1980.
"Vào lúc đó, chúng đã vấp phải kháng cự và không hiệu quả. Tôi nghĩ, chúng ta có thể thấy cùng kết quả ở hiện tại. Tất cả gần như chắc chắn là quá muộn bởi vì phần lớn đường ống đã được lắp đặt", ông đánh giá.
Nhận định trên được doanh nhân Wayne Bryan của tập đoàn Alfa Energy đồng tình. Theo ông Bryan, ngay cả khi "có một chút gián đoạn", Thượng viện Mỹ gần như chắc chắn là không thể ngăn cản được Nord Stream 2 vận hành.
Tuần trước, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã đề xuất dự thảo trừng phạt các công ty năng lượng Tây Âu có liên quan tới dự án Nord Stream 2. Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần đề cập tới trừng phạt liên doanh Nord Stream 2 giữa tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty năng lượng châu Âu bao gồm Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo, Engie của Pháp và Royal Dutch Shell của Hà Lan.
Mỹ luôn thể hiện sự phản đối với sáng kiến Nord Stream 2 của Nga. Hồi tháng sáu, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng Nga có thể phải đối mặt các biện pháp hạn chế, do Nord Stream 2 đe dọa an ninh và ổn định năng lượng châu Âu. Tổng thống Trump cũng chỉ trích Đức vì phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga, đồng thời gọi Berlin là một "tù nhân" của Nga.
Trong khi đó, Đức và nhiều nước châu Âu khác lại tỏ ý tán thành dự án và khẳng định, mục đích của nó chỉ thuần túy là kinh tế. Còn Nga cũng cáo buộc, các nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng của Mỹ đang cố gắng ép người tiêu dùng châu Âu mua khí đốt với giá thành cao hơn và đó là "cạnh tranh không lành mạnh".