(Tổ Quốc) - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang nỗ lực để duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang nỗ lực để duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Nhưng điều đó có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không hài lòng và gia tăng khả năng Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự trên khắp khu vực.
Tín hiệu này ngày càng trở nên rõ ràng hơn sau khi các quan chức cao cấp của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tổ chức tham vấn về việc duy trì tự do hàng hải, chống khủng bố, kết nối và bảo đảm an ninh hàng hải ở châu Á bên lề một Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm ngoái .
Cuộc họp này, có tên "Tham vấn Australia - Ấn Độ - Nhật Bản - Hoa Kỳ về Ấn Độ - Thái Bình Dương", được khẳng định rộng rãi là một sự hồi sinh của Đối thoại an ninh tứ giác bốn bên- hay "Quad" - một diễn đàn về an ninh phi chính thức bao gồm 4 nước này được khởi động vào năm 2007 nhưng sau đó lại lại bị chia rẽ.
Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải tại châu Á - Thái Bình Dương. |
Quad đã được hồi sinh khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào chiến lược châu Á xung quanh khái niệm một khu vực "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở ". Ấn Độ - Thái Bình Dương được dùng để thay thế cho "Châu Á Thái Bình Dương" – trước đó vốn được sử dụng rộng rãi hơn.
Một liên minh chống Trung Quốc?
Alex Wong, Phó trợ lý bộ trưởng phụ trách các vấn đề khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước trả lời câu hỏi của CNBC cho biết, cuộc thảo luận trên tập trung vào "những vấn đề cùng quan tâm, bao gồm cả an ninh, kinh tế và chính trị",.
Bắc Kinh là nỗi lo ngại lớn nhất của bốn cường quốc này, CNBC dẫn ý kiến của nhiều nhà chiến lược cho hay.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho hay: "Mặc dù Trung Quốc (một cách thận trọng) không được nêu tên trong bất kỳ tuyên bố nào, sự hồi sinh của nhóm Quad chắc chắn xuất phát từ sự lo ngại ngày càng gia tăng trước sự tăng cường hiện diện và tham vọng của Trung Quốc trong khu vực".
Từ việc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo trái phép tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tăng cường sử dụng đòn bẩy kinh tế đối với các nước đang phát triển trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và con đường”, những động thái của Trung Quốc đã khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương lo ngại. Bắc Kinh cũng bị chỉ trích vì sử dụng các chương trình giáo dục, gián điệp và các khoản đóng góp chính trị để gây ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ nước sở tại, như New Zealand.
Khi được hỏi liệu đối thoại của 4 nước trên có đồng nghĩa với một động thái bao vây chống Trung Quốc hay không, Wong nói, "Nhiều suy nghĩ kỳ lạ đã được gán cho [cuộc họp này], theo tôi nghĩ, có thể không đúng sự thật. "
Ông nói cuộc đối thoại giữa bốn quốc gia này sẽ tiếp tục, nhưng cho biết, "chưa thể đoán trước được nó sẽ đi tới đâu."
Hiện nay, Quad được dự kiến sẽ vẫn là một liên minh lỏng lẻo và linh hoạt dựa trên sự đoàn kết hơn là một liên minh quân sự được thể chế hóa.
An ninh hàng hải được xem là vấn đề cốt lõi của nhóm này, nhưng cơ sở hạ tầng cũng có thể đóng một vai trò quan trọng.
Hãng tình báo Stratfor trong một báo cáo tháng 2 cho biết: "Australia có thể sẽ đưa ra đề xuất về đầu tư cơ sở hạ tầng trong nội bộ Quad – điều có thể mở ra một lựa chọn khác cạnh trang với Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc – quy tụ sự tham gia của 65 quốc gia".
"Bốn nước đã thảo luận về đề xuất này tại cuộc họp tháng 11/ 2017, và Australia cùng với Nhật Bản sau đó đã hạ thấp khả năng hợp tác quân sự trong Quad, có lẽ là do lo lắng về Bắc Kinh", Stratfor tiếp tục.
Phản ứng mạnh từ Trung Quốc
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn hạn chế bày tỏ lập trường về Quad. Một phát ngôn viên bộ ngoại giao nước này chỉ nói rằng sự hợp tác khu vực không nên "bị chính trị hoá" hay "loại trừ ai".
Theo ông Chengxin Pan, phó giáo sư tại trường Đại học Deakin, "Mặc dù có nhiều bất đồng quan điểm, sự tái hợp của Quad phần lớn là vì Trung Quốc".
Ông Pan bày tỏ trong một báo cáo gần đây: "Dù đúng hay sai thì nhiều người Trung Quốc vẫn thường giải thích những động thái của Quad và các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ là một trong những hình thức của ngoại giao pháo hạm mới".
"Ngoại giao pháo hạm" là việc sử dụng các hành động quân sự và các mối đe dọa để hỗ trợ chính sách đối ngoại của một quốc gia.
Những động thái này có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự của họ, Pan cũng cảnh báo.