• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ thể hiện cam kết lâu dài với châu Á tại thượng đỉnh Mỹ - ASEAN

Thế giới 12/05/2022 15:10

(Tổ Quốc) - Trang Straits Times dẫn một số nhận định của giới quan sát khu vực Đông Nam Á cho rằng thông điệp trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ và ASEAN là cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra vào ngày 12-13/5, đánh dấu tròn 45 năm quan hệ giữa Mỹ và ASEAN. Kế hoạch ban đầu sẽ tổ chức vào tháng Ba nhưng vì một số lý do bắt buộc phải hoãn lại.

Các chuyên gia quốc tế: Mỹ thể hiện cam kết lâu dài với châu Á tại hội nghị Mỹ- ASEAN - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - ASEAN vào tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh sẽ mang đến cơ hội nhấn mạnh cam kết của Mỹ với ASEAN cũng như làm sâu sắc quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á.

"Tầm quan trọng của thượng đỉnh Mỹ và ASEAN cho thấy hội nghị vẫn tổ chức cho dù bị trì hoãn trước đó. Và hội nghị thượng đỉnh chính là thông điệp mạnh mẽ", nhà ngoại giao Bilahari Kausikan, cựu Chủ tịch Viện Trung Đông thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định.

Theo ông Bilahari Kausikan, hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm căng thẳng xung đột giữa Ukraine và Nga. Một số chuyên gia từng nghi ngờ các căng thẳng ở Ukriane có thể kéo Mỹ ra khỏi sự chú ý đối với khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN vẫn diễn ra và khẳng định ý nghĩa quan trọng của sự kiện này.

"Điều đó cho thấy Mỹ thể hiện cam kết chắc chắn với ASEAN", ông Bilahari nói vào ngày 10.5 trong cuộc hội thảo.

Đầu tuần này, ông Brian Harding, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Viện Hòa bình liên bang Mỹ cũng đưa ra bình luận, thượng đỉnh giữa Mỹ - ASEAN sẽ là nỗ lực để bù đắp khoảng thời gian đã mất ; làm rõ hơn sự quan tâm chắc chắn của Mỹ đối với khu vực và thể hiện cam kết sâu sắc mối quan hệ giữa Washington với ASEAN và các quốc gia thành viên của ASEAN".

Ông Brian Harding khẳng định, các ảnh hưởng của Trung Quốc và các dự án quyền lực ở Đông Nam Á sẽ là những chủ đề chính trong hội nghị lần này. Bên cạnh đó, cuộc họp kéo dài 2 ngày sẽ mang đến cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Mỹ và ASEAN.

Trước bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, các quốc gia trong ASEAN luôn mong muốn tiếp tục thúc đẩy sự cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh trong tương lai. Về phía Trung Quốc, nước này từ lâu đã tăng cường hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo StraitsTimes, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cho thấy các quốc gia Đông Nam Á vẫn muốn tăng cường quan hệ thương mại với Mỹ cho dù Washington trước đó đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Vào thời điểm hiện tại, Mỹ chưa có động thái quay trở lại hiệp định CPTPP nhưng đã nhắc đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một số chuyên gia dự đoán, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính là chiến lược kinh tế mà Mỹ muốn hướng đến khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng khả năng tiếp cận thị trường chưa đạt được mà trước tiên phải tập trung giải quyết một số khía cạnh như kinh tế kỹ thuật số hay khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Ông Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ( CFR ) nhận định sự linh hoạt rộng rãi nghĩa là sẽ không thay đổi nhiều trong khu vực cũng như chưa thể chắc chắn Mỹ có đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực thương mại ở khu vực hay không.

Theo Đại biện phái bộ Mỹ tại ASEAN Kate Rebhol, hai bên có thể sẽ đưa ra tuyên bố về tầm nhìn chung Mỹ-ASEAN đầy tham vọng và hướng tới tương lai sau hội nghị. Bà Kate Rebhol cũng cho rằng sẽ có tuyên bố về quan hệ đối tác mới vì sức khỏe cộng đồng, khí hậu, tăng trưởng kinh tế và một số lĩnh vực khác.

Thương mại là chiến lược

Theo trang Foreign Policy, chính quyền Tổng thống Biden vẫn nhắc đến ASEAN là trung tâm trong chính sách của Mỹ, sẵn sàng tham gia các cuộc họp của khối. Chính quyền Mỹ cũng đặc biệt quan tấm đến mối quan hệ đối tác khác như Bộ tứ hay mối quan hệ song phương cụ thể với các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo tờ báo, khoảng trống rõ ràng nhất trong chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là kinh tế. Bất chấp sức nặng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Mỹ vẫn là đối tác kinh tế song phương quan trọng đối với hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN và là ưu tiên cho đầu tư phi cơ sở hạ tầng.

Washington cần tận dụng lợi thế này thúc đẩy thương mại và đầu tư của Mỹ. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực sẽ có hiệu lực vào năm 2022 với tư cách là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đây là một sáng kiến của ASEAN nhằm hợp lý hóa các hiệp định thương mai tự do hiện có với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Hiện tại, Mỹ không có hiệp định thương mại tự do với ASEAN nên sẽ không đủ điều kiện tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

"Khi cựu Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017 đã tạo khoảng cách của Mỹ với khu vực, nơi thương mại là chiến lược", tờ Foreign Policy viết.

Đến hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden chưa đưa ra bất kỳ khả năng nào về việc tham gia lại CPTPP. Trong khi đó phíaTrung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ