(Tổ Quốc) - Điều gì ẩn giấu sau những tuyên bố dồn dập của Tổng thống Mỹ, đe dọa sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng?
Hôm thứ Năm (07/9), Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ lực đối với Bình Nhưỡng, đồng thời khiến khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thông qua thương lượng, trở nên ngày càng mơ hồ.
Tổng thống Trump: sẽ là một ngày rất buồn cho Triều Tiên nếu Mỹ sử dụng biện pháp quân sự |
Không loại bỏ khả năng thực hiện hành động quân sự
“Hành động quân sự chắc chắn sẽ là một lựa chọn,” ông Trump phát biểu trong một cuộc họp báo. “Thật tốt nếu một điều gì khác có thể đạt được. Chúng ta sẽ phải xem xét tất cả mọi chi tiết.”
Theo các quan chức Mỹ, khả năng thương lượng vẫn còn để ngỏ, tuy nhiên, Tổng thống Trump đã liên tục hạ thấp giá trị của những nỗ lực nhằm bắt đầu một cuộc nói chuyện với Triều Tiên về kho vũ khí hạt nhân của quốc gia châu Á.
“Tôi mong muốn không phải lựa chọn con đường quân sự, tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra,” ông Trump tuyên bố.
Nước Mỹ đang tìm kiếm những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất dành cho Triều Tiên, nhằm đáp trả lại vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này vào hôm Chủ nhật (03/9). Lệnh trừng phạt mới có thể sẽ chặn tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu và khí gas tự nhiên, đồng thời đóng băng các tài sản nước ngoài của chính quyền Bình Nhưỡng.
Đề xuất trên đã vấp phải sự kháng cự dữ dội từ Bình Nhưỡng. “Chúng tôi sẽ đáp trả âm mưu dã man xung quanh lệnh trừng phạt, và áp lực từ nước Mỹ bằng những biện pháp mạnh mẽ nhất,” một thông cáo của Triều Tiên cho biết.
Cũng trong hôm qua (08/9), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu, Bắc Kinh sẽ ủng hộ Liên hợp quốc tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên; tuy nhiên, ông Vương Nghị không đề cập đến liệu Trung Quốc có đồng ý gia tăng các trừng phạt kinh tế hay không.
Tổng thống Trump coi việc gây sức ép khiến Trung Quốc phải “làm nhiều hơn’ trong vấn đề Triều Tiên – là một ưu tiên. Sau sự kiện hôm Chủ nhật, ông viết trên Twitter, Triều Tiên đã trở thành “một mối đe dọa và nỗi xấu hổ cho Trung Quốc” – một lời chỉ trích nhắm thẳng vào Chủ tịch Tập Cận Bình.
Là đồng minh kinh tế lớn nhất của Bình Nhưỡng, Trung Quốc luôn tỏ ra do dự, không muốn cắt đứt hoàn toàn mối cung cấp dầu cho Triều Tiên. Một trong những lý do Bắc Kinh đưa ra là, tình hình kinh tế bất ổn sẽ khiến làn sóng người tị nạn Triều Tiên tràn vào Trung Quốc…
“Chúng tôi tin rằng, các lệnh trừng phạt và áp lực chỉ là một nửa của chìa khóa để giải quyết vấn đề. Một nửa khác là đối thoại và thương lượng,” Ngoại trưởng Vương Nghị nói.
Kiềm chế thay vì hoàn toàn xóa bỏ
Trong buổi tiếp kiến người đứng đầu Kuwait, Sheikh Sabah Ahmed al-Sabah, Tổng thống Trump không nhắc tới các lệnh trừng phạt. Ông cũng không hoàn toàn bỏ qua chiến lược cuối cùng của Mỹ, đó là kiềm chế khả năng hạt nhân của Triều Tiên thay vì hoàn toàn xóa bỏ nó; tuy nhiên, ông cho biết, mình sẽ không công khai mặc cả với Bình Nhưỡng.
Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ sau đó cho biết, ông Trump chỉ đơn giản là đang thận trọng, và không ủng hộ yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Đây là điều kiện chủ chốt trong chính sách của Mỹ trong hơn một thập kỷ qua, và là nền tảng cho các hoạt động thương lượng – tất cả đều đã thất bại - dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Quan chức trên nhận định, chính sách ngăn chặn hạt nhân mà Mỹ từng áp dụng với Liên Xô trước đây, có lẽ sẽ không có kết quả với Triều Tiên. “Chúng tôi rất lo lắng rằng, có thể sẽ không thể ngăn chặn được Triều Tiên, và đó là những gì thực sự khác biệt giữa Triều Tiên và một nhóm rất nhỏ các quốc gia sở hữu hạt nhân,” ông này nói.
Đe dọa vũ lực của Mỹ không chỉ là nói suông
Washington cũng lo ngại, Triều Tiên đang đánh giá thấp những lời đe dọa sử dụng vũ lực từ nước Mỹ. Đó là một trong những lý do giải thích cho việc gần đây Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis liên tục nhấn mạnh khả năng quân đội của Mỹ.
“Quân đội của chúng ta chưa bao giờ mạnh như thế này,” ông Trump nói hôm thứ Năm. “Mỗi ngày, các thiết bị mới đều xuất hiện… những thứ tốt nhất trên thế giới cho tới thời điểm này.”
“Hy vọng rằng, chúng ta sẽ không phải sử dụng nó cho Triều Tiên. Nếu chúng ta phải làm thế, đó sẽ là một ngày rất buồn cho Triều Tiên.”
Đe dọa sử dụng vũ lực và thương lượng song song tồn tại
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson bày tỏ sự ủng hộ với khả năng thương lượng nhưng phải vào đúng thời điểm. Tháng trước, ông Tillerson từng tìm cách thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng, Washington không muốn lật đổ ông hoặc xâm lược đất nước Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, chiến lược gây áp lực ngoại giao lên Triều Tiên, mặc dù chậm, nhưng hiệu quả. Theo bà, nhiều quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Peru và Kuwait đã giới hạn số công nhân và nhà ngoại giao của mình tại Triều Tiên.
“Cần phải có thời gian để chặn đứng dòng tiền mà chúng tôi tin rằng được sử dụng cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp, Triều Tiên đang nhận được,” bà Nauert nói.
Washington cho rằng, việc đe dọa sử dụng vũ lực và thương lượng có thể cùng tồn tại.
“Chúng ta đã để ngỏ cánh cửa để thương lượng với Triều Tiên ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền này,” một quan chức nói. Theo ông, điều này đã được Triều Tiên trả lời bằng các cuộc phóng thử tên lửa và cả vụ thử nghiệm thành công bom H hôm Chủ nhật. “Các hành động của họ có sức mạnh hơn lời nói. Đây không phải là thời điểm để thương lượng với Triều Tiên. Điều này là rõ ràng với chúng ta.”
(The Washington Post)