(Tổ Quốc) -Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 4/8 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai quan chức Mỹ để đáp trả động thái tương tự từ Washington.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 4/8 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai quan chức Mỹ để đáp trả động thái tương tự từ Washington liên quan đến việc nước này giam giữ một mục sư người Mỹ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ mục sư Andrew Brunson về các cáo buộc liên quan đến khủng bố trong gần hai năm qua đã kéo theo một trong những cuộc khủng hoảng dữ dội nhất hai đồng minh NATO trong nhiều năm.
Ông Brunson đã được chuyển sang quản thúc tại gia vào tuần trước sau gần hai năm đi tù vì tội liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, động thái này chỉ làm gia tăng căng thẳng.
Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng việc phóng thích và đưa ông Brunson trở về với gia đình tại Mỹ một ưu tiên.
Căng thẳng ngoại giao leo thang nhanh chóng
Mỹ ngày thứ 4 vừa qua đã tuyên bố trừng phạt hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về vụ giam giữ Andrew Brunson.
Trong những bình luận đầu tiên về căng thẳng lần này, ông Erdogan cho biết muốn tránh khỏi bất kỳ sự leo thang nào giữa hai bên, nói rằng, cả hai bên đều không quan tâm đến một kịch bản "đều thua". Tuy nhiên, ông cũng cho thấy sự cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hôm nay tôi sẽ gửi tới các đối tác của mình đề nghị đóng băng tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ của Bộ trưởng tư pháp và nội vụ Mỹ, nếu họ có bất kỳ (tài sản nào như vậy)," Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố trừng phạt hai quan chức Mỹ để đáp trả động thái tương tự từ Washington. (Nguồn: AFP) |
Ông Erdogan không chỉ rõ những thành viên nào của chính quyền Mỹ mà ông đang đề cập đến.
Bộ trưởng tư pháp Mỹ là Jeff Sessions và trong khi Mỹ không có bộ nội vụ có quyền hạn tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ là Kirstjen Nielsen và Bộ trưởng Nội vụ là Ryan Zinke.
"Những người nghĩ rằng họ có thể làm cho Thổ Nhĩ Kỳ lui bước với ngôn ngữ đe dọa và biện pháp trừng phạt vô nghĩa là đang không hiểu biết quốc gia này," ông Erdogan nói.
Trước đó, Ankara và Washington cũng đã bất hoà về sự ủng hộ của Mỹ đối với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, trong khi Mỹ cũng rất thận trọng trước sự hợp tác ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và việc Ankara mua các hệ thống phòng không của Nga.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rất tức giận khi Mỹ không đồng ý dẫn độ Fethullah Gulen – người bị Ankara cáo buộc là đứng sau cuộc đảo chính không thành công năm 2016 tại nước này.
Theo AFP, thông báo lần này của ông Erdogan là một phản ứng mạnh mẽ đối với quyết định của Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu và Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul.
Các biện pháp trừng phạt này sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào trên đất Mỹ của hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trên, và cấm các công dân Mỹ kinh doanh với họ.
Cả hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trên đã phủ nhận có bất kỳ tài sản nào ở Mỹ và rất khó có khả năng các quan chức Mỹ sẽ có tài sản ở Thổ Nhĩ Kỳ - điều khiến cho các lệnh trừng phạt giữa hai bên phần lớn mang tính biểu tượng.
Mối nguy đối với kinh tế
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, sóng gió này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế mong manh của Thổ Nhĩ Kỳ và các biện pháp cứng rắn hơn có thể được Mỹ áp dụng nếu Brunson không được tự do.
Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục giảm giá giữa những biện pháp trừng phạt lần này.
Anthony Skinner, giám đốc về Trung Đông và Bắc Phi tại cơ quan tham vấn quản lý rủi ro Verisk Maplecroft nói với AFP rằng, "có nguy cơ sẽ có nhiều lệnh trừng phạt hơn ... có thể tấn công trực tiếp hơn vào trung tâm lợi ích của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng gây ra sự tháo chạy đối với đồng lira".
Và các tuyên bố của ông Erdogan đã chỉ ra rằng ông ấy không muốn cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa và trở thành một cuộc trừng phạt kinh tế toàn diện.
Ông Erdogan nói: "Chúng tôi không muốn trở thành một bên trong thế trận đều thua. Việc leo thang tranh chấp về chính trị và tư pháp sang lĩnh vực kinh tế sẽ có hại cho cả hai phía".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã thảo luận vấn đề này với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm thứ Sáu, cho biết ông "hy vọng" có tiến bộ trong "những ngày và những tuần tới".
Ông Erdogan cho biết, các kênh ngoại giao đã làm việc "rất nỗ lực" và nói thêm rằng, ông nghĩ "một phần quan trọng của các vấn đề gây bất hòa có thể sớm bị bỏ lại phía sau".
"Khi vấn đề kinh tế đang có một vị trí quan trọng, có thỏa thuận theo hình thức nào đó có nhiều khả năng sẽ diễn ra hơn là không có gì," Skinner nói. "Ông Erdogan đã từng nhiều lần chơi với lửa, nhưng ông ấy cũng biết rõ khi nào ông ấy đã đi quá xa trên than hồng."