(Tổ Quốc) - Việc Mỹ phát triển bom hạt nhân nhỏ gọn, có độ chính xác cao khiến Nga lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân.
Việc Mỹ phát triển bom hạt nhân nhỏ gọn, có độ chính xác cao khiến Nga lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân.
Không quân Mỹ (USAF) đã thử nghiệm các "chức năng phi hạt nhân" của loại vũ khí hạt nhân mới nhất – bom B61-12 từ một chiếc máy bay tiêm kích F-15E (Đại bàng tấn công) vào ngày 8/8, Cục Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) ngày 28/8 cho biết. Chiếc máy bay trên đã cất cánh từ căn cứ không quân Nellis ở Nevada.
Bom “kẻ hủy diệt” B61-12 được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 3 vừa qua. Vụ thử này được tiết lộ với công chúng vào ngày 13/4 – cùng ngày chiếc máy bay quân sự C-130 thả "Mẹ của các loại bom" xuống Afghanistan nhằm vào lực lượng khủng bố IS-Khorasan ở tỉnh Nangarhar.
Mỹ tăng tốc tái vũ trang hạt nhân
Vụ thử ngày 8/8 được tiến hành để xác định điều kiện hoạt động của "các chức năng phi hạt nhân" trong loại bom này. Mục đích thứ hai là tìm hiểu thêm về việc chiếc F-15E có thể vận chuyển loại vũ khí chiến lược này ra sao.
Bom hạt nhân B61-12. (Nguồn: NYT) |
B61-12 được thiết kế để “xuất hành” cùng các máy bay F-35A, B-21 Raiders, B-2 Spirits và P/A-200 – đang được các đồng minh trong NATO điều hành tại châu Âu, tổ chức Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết năm ngoái.
Tiến trình trên, theo quan điểm của một số chuyên gia quốc phòng của Hoa Kỳ, một sự đổi mới cần thiết đối với các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được thiết kế từ những năm 1960.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller - người hỗ trợ kế hoạch hiện đại hóa loại vũ khí này trước khi rời nhiệm sở năm 2014, cho biết các loại vũ khí nhỏ hơn và chính xác hơn sẽ duy trì sự đe doạ hạt nhân của quốc gia này trong khi giảm thiểu rủi ro cho thường dân gần các mục tiêu quân sự nước ngoài.
Còn cựu chiến lược gia hạt nhân của Tổng thống Barack Obama, tướng James E. Cartwright cho biết ông ủng hộ việc nâng cấp B61-12 vì việc định hình chính xác mục tiêu cho phép Mỹ cần ít vũ khí hạt nhân hơn và "điều một kho hạt nhân nhỏ hơn mang tới", theo ông thừa nhận, "là khiến loại vũ khí này trở nên gần gũi hơn."
Theo Hans Kristensen, giám đốc Chương trình Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, máy bay ném bom tàng hình B-2 là máy bay duy nhất có khả năng hạ bệ B61-11 – phiên bản trước của B61-12. Hiện tại, với những cải tiến mới, chiếc B61-12 sẽ được tích hợp với "hầu hết các máy bay có năng lực hạt nhân của Mỹ và NATO", Kristensen cho biết năm 2016.
Theo nhóm Sáng kiến về mối đe dọa hạt nhân tại Washington, có khoảng 150 đầu đạn B61 phi chiến lược của Hoa Kỳ được đặt tại 5 quốc gia thuộc NATO: Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số quốc gia châu Âu cũng đã chọn mua những chiếc F-35 – loại máy bay có thể mang theo B61-12. Các khách hàng châu Âu của Lockheed Martin về chiếc máy bay thế hệ thứ 5 bao gồm Đan Mạch, Anh Quốc, Italy và Na Uy, theo trang web của công ty này.
Nga e ngại chạy đua hạt nhân
Bộ Ngoại giao Nga đang lo ngại các phiên bản mới của bom hạt nhân Mỹ, đang được nâng cấp và có độ chính xác cao, sẽ giảm khả năng “ức chế” việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến đấu, hãng tin nhà nước Nga Itar-Tass ngày 29/8 đưa tin.
B-61 mẫu số 12 là vũ khí mà Hoa Kỳ đã nghiên cứu và nâng cấp trong một thời gian dài và NNSA đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục thử nghiệm hoạt động của loại bom này trong ba năm tới, với hy vọng mở đường đưa vũ khí này vào phục vụ trong quân đội. B61-12 là bom hạt nhân đầu tiên được dẫn đường chính xác.
Theo Newsweek, Nga không thích những diễn biến này.
"Lợi thế của việc nâng cấp mới B61-12, theo các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ đang làm việc về nó, thì họ sẽ đưa loại vũ khí này hoạt động chính xác và hữu dụng hơn", Mikhail Ulyanov, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga nói với Tass.
Đề cập đến ý kiến của ông James Miller và tướng James E. Cartwright, ông Ulyanov bày tỏ lo ngại Mỹ có thể thúc đẩy lập trường tự do hơn về sử dụng vũ khí hạt nhân khi cho rằng họ "giảm được hậu quả thảm khốc cho dân chúng (khi sử dụng hạt nhân)".
Ulyanov nói: "Từ lập trường của họ, chúng tôi có thể kết luận rằng việc mở đường đưa các loại bom trên vào sử dụng có thể dẫn đến việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân." "Điều này, như chúng ta có thể tưởng tượng, là tác động tiêu cực của tiến trình hiện đại hóa đang diễn ra."
Ông Ulyanov cũng cho rằng, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO có thể hưởng lợi từ việc nâng cấp B61-12 trong việc đáp trả điều họ cho là mối đe dọa từ bom hạt nhân của Nga.
Trước đó, trong một bài viết năm 2016 của NewYork Times, đã có những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới khi Mỹ phát triển B61-12. Nga đã gọi các vụ thử nghiệm B61 là "vô trách nhiệm" và là hành động "khiêu khích một cách công khai." Trung Quốc cũng đặc biệt lo ngại về các kế hoạch phát triển tên lửa có đầu đạn hạt nhân của Mỹ trong khi Triều Tiên lên tiếng bảo vệ việc họ theo đuổi phát triển bom hydro là để đáp trả "mối đe doạ hạt nhân đang gia tăng" từ Hoa Kỳ.
Thông tin về vụ thử trên cũng được đưa ra giữa lúc căng thẳng ngày càng tăng trên bán đảo Triều Tiên và trước việc Mỹ sắp sửa tăng quân số tại Afghanistan. Triều Tiên vừa phóng tên lửa bay qua Nhật Bản vào sáng ngày 29/8. Mặc dù Nga chính thức phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Moscow cũng lên án Hoa Kỳ vì đã kích động vụ thử này bằng cách thực hiện cuộc diễn tập quân sự hàng năm với đồng minh khu vực là Hàn Quốc.
(Theo Sputnik, Newsweek)