• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tiên phong ngừng thử tên lửa chống vệ tinh: Áp lực mạnh tới Trung, Nga

Thế giới 19/04/2022 13:14

(Tổ Quốc) - Chính quyền Biden hôm thứ Hai tuyên bố nước Mỹ sẽ cấm thử tên lửa chống vệ tinh. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng động thái này nhấn mạnh hy vọng của họ về việc thiết lập các tiêu chuẩn mới của việc thực hiện hành động quân sự trong không gian.

Thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh (ASAT) là một hành động quân sự trong đó một tàu vũ trụ trong không gian bị phá hủy bằng cách sử dụng một hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất. Các quốc gia từng thực hiện ASAT trong lịch sử đã làm như vậy để phá hủy các tài sản cũ, không còn tác dụng của họ trong không gian.

Nguy cơ từ các vụ thử ASAT

Gần đây, Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc Nga và Trung Quốc tiến hành các vụ thử tên lửa chống vệ tinh. Và vấn đề sử dụng tên lửa phá hủy vệ tinh cũng ngày càng trở nên cấp bách hơn sau khi Nga vào tháng 11/2021 đã phóng một tên lửa phá hủy một vệ tinh không còn tác dụng từ thời Liên Xô.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, trong bài phát biểu tại căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ven bờ biển trung tâm California, đã khẳng định động thái của nước Mỹ và chỉ trích hành động của Nga là "liều lĩnh" và "vô trách nhiệm."

Vụ phóng tên lửa năm 2021 của Nga đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ không gian và gia tăng nguy cơ đối với các phi hành gia Mỹ và Nga trên Trạm vũ trụ Quốc tế và trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc, theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ.

Mỹ tiên phong ngừng thử tên lửa chống vệ tinh: Áp lực mạnh tới Trung, Nga - Ảnh 1.

Tên lửa SM-3 được Mỹ phóng năm 2008 để phá hủy vệ tinh USA-193. Ảnh: CNBC.

Bà Harris nói: "Nói một cách đơn giản, những vụ phóng này rất nguy hiểm. Và chúng ta sẽ không tiến hành chúng."

Một vụ thử phóng tên lửa phá hủy vệ tinh tương tự của Trung Quốc vào năm 2007 cũng khiến nhiều mảnh vỡ trôi nổi trong không gian.

Bà Harris nhấn mạnh rằng các mảnh vỡ do những vụ phóng tên lửa như vậy tạo ra không chỉ đe dọa các phi hành gia và lợi ích quân sự của Mỹ mà còn có thể ảnh hưởng đến các vệ tinh thương mại mà thế giới đang sử dụng để dự báo thời tiết, hệ thống GPS giúp người lái xe điều hướng trên đường phố, chương trình truyền hình và cơ sở hạ tầng quan trọng.

"Một mảnh vỡ không gian có kích thước bằng quả bóng rổ, di chuyển với tốc độ hàng nghìn dặm một giờ, sẽ phá hủy được một vệ tinh. Ngay cả một mảnh vụn nhỏ như một hạt cát cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng", bà Harris nói.

Thông báo về lệnh cấm thử tên lửa chống vệ tinh lần này được đưa ra vài tháng sau khi bà Harris thông báo tại một cuộc họp vào tháng 12/2021 rằng các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng sẽ làm việc với các quan chức tại Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh quốc gia khác của Mỹ để phát triển các đề xuất về vấn đề quy chuẩn cho an ninh không gian.

Mỹ là quốc gia đầu tiên công bố lệnh cấm trên và bà Harris cho biết bà hy vọng các quốc gia khác sẽ nhanh chóng làm theo. Chính quyền của ông Biden cam kết không phóng tên lửa đánh chặn từ bề mặt Trái đất để tấn công một mục tiêu vệ tinh cách xa hàng trăm dặm trong không gian.

Mỹ kỳ vọng dẫn đầu "xu hướng"

Cho đến nay, bốn quốc gia - Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - đã phá hủy vệ tinh của chính họ trong các cuộc thử nghiệm ASAT. Kể từ những năm 1960, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã tiến hành hơn mười vụ phóng tên lửa chống vệ tinh trong không gian, nhằm phá hủy các vệ tinh và tạo ra hơn 6.300 mảnh vỡ quỹ đạo, theo Secure World Foundation, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ để sử dụng bền vững và hòa bình không gian bên ngoài.

Lần cuối cùng Mỹ phóng tên lửa phá hủy một vệ tinh là vào năm 2008, khi Hải quân Mỹ phóng một tên lửa SM-3 đã được điều chỉnh để phá hủy vệ tinh USA-193 của Văn phòng Trinh sát Quốc gia bị trục trặc.

Theo Secure World Foundation, ít nhất 4.300 mảnh vỡ trong số trên vẫn đang còn trên quỹ đạo và gây ra các mối đe dọa lâu dài đối với các nhiệm vụ bay vào vũ trụ, khoa học và an ninh quốc gia của con người cũng như sự phát triển kinh tế không gian trong tương lai.

Các vụ phóng tên lửa chống vệ tinh của Mỹ vào năm 2008 cũng như của Ấn Độ vào năm 2019 nhằm vào các vệ tinh ở tầm thấp hơn, ngay bên dưới trạm vũ trụ ISS và cách trạm này khoảng 260 dặm (420 km).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết việc phá hủy một vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất bằng tên lửa là nhằm chứng tỏ năng lực của Ấn Độ như một "cường quốc không gian", sáng ngang với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ông đã ra lệnh khởi động vụ phóng đó vài tuần trước cuộc bầu cử quốc gia.

Sau đó, vệ tinh Cosmos 1408 của Nga khi đang bay trên quỹ đạo cao hơn khoảng 40 dặm (65 km) vệ tinh của Ấn Độ thì đã bị phá hủy vào tháng 11/2021 bởi một tên lửa bắn từ miền bắc nước Nga.

Brian Weeden, giám đốc lập kế hoạch chương trình tại Secure World Foundation, gọi động thái của chính quyền Biden là một hành động quan trọng gây áp lực lên Trung Quốc và Nga, thúc giục họ có hành động tương tự.

Ông Weeden nói về Nga và Trung Quốc: "Họ đã gây ra nhiều ồn ào về mặt ngoại giao trong thập kỷ qua về việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, trong khi đó, họ lại thử nghiệm vũ khí (chống vệ tinh) của riêng họ và tạo ra các mảnh vỡ quỹ đạo".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ