• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tính đáp trả về năng lượng Nga: Giá dầu leo dốc, kinh tế toàn cầu bị đe dọa

Thế giới 07/03/2022 11:00

(Tổ Quốc) - Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Mỹ cho biết họ đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga – một động thái tăng cường trừng phạt về vấn đề Ukraine và tiến trình nối lại đàm phán với ông lớn năng lượng Iran bị trì hoãn.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang "thảo luận rất tích cực" với các đối tác châu Âu về lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới đã vấp phải rào cản trong hôm Chủ nhật sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt nước này phải đối mặt về vấn đề Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến giao thương của họ với Tehran. Theo các nguồn tin, Trung Quốc cũng đã đưa ra các yêu cầu mới.

Mỹ tính đáp trả về năng lượng Nga: Giá dầu leo dốc, kinh tế toàn cầu bị đe dọa - Ảnh 1.

Việc năng lượng đang bị "chính trị hóa" có thể khiến vật giá leo thang và đẩy chỉ số lạm phát tăng cao. Ảnh: NYT.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế hiện lên tới 139,13 USD / thùng, cao hơn gần 20% so với giá thanh toán hôm thứ Sáu tuần trước.

Khả năng phương Tây cấm vận dầu Nga

Khả năng cấm vận dầu của phương Tây sẽ tiếp tục cô lập nền kinh tế của Nga, vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt nặng nề và sự rút lui của nhiều doanh nghiệp tại nước này. Cuối tuần qua, các mạng thanh toán Mastercard, Visa và American Express, định chế kiểm toán PwC, KPMG, dịch vụ phát trực tuyến Netflix và ứng dụng video xã hội TikTok đã thêm tên của họ vào danh sách dài các công ty đóng băng hoạt động ở Nga.

Ông Blinken thông tin với kênh NBC hôm Chủ nhật rằng ông đã đối thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden và nội các về khả năng cấm vận dầu Nga.

Ông Blinken nói: "Chúng tôi hiện đang thảo luận rất tích cực với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga sang các nước của chúng tôi, đồng thời duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu.

Mỹ muốn có một phản ứng phối hợp với các đối tác của mình nhưng ông Blinken nói thêm: "Tôi sẽ không loại trừ việc thực hiện hành động theo cách này hay cách khác bất kể họ (các đối tác - pv) làm gì".

Động thái cấm vận năng lượng này cũng sẽ đánh dấu một bước chuyển mình của Nhà Trắng, trước đó từng bác bỏ lời kêu gọi của lưỡng đảng trong Quốc hội cấm nhập khẩu dầu của Nga vào Mỹ, nói rằng nếu lệnh cấm đó được thực thi thì sẽ hạn chế nguồn cung toàn cầu và tăng giá đối người tiêu dùng.

Khi được hỏi về các bình luận của ông Blinken, một quan chức cấp cao của Pháp nói rằng các biện pháp trừng phạt mới đang được các nước châu Âu và "các đối tác khác" xem xét, mà không nêu chi tiết mức độ tiến triển của các cuộc thảo luận.

Quan chức này cho biết: "Câu hỏi đặt ra ngày hôm nay là xem làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các nguồn dự trữ chiến lược để ngăn chặn giá cả tiếp tục tăng vọt trên thị trường dầu khí, và về lâu dài, chúng ta quản lý kho dự trữ và nguồn cung dầu của mình như thế nào".

Các quan chức Anh cũng không loại trừ lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu của Nga nhưng một quan chức cho rằng ý tưởng này là "một động thái quyết liệt".

Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã yêu cầu các quan chức Anh tìm hiểu về "mức trần" nhập khẩu năng lượng của Nga để có thể giảm con số đó xuống theo thời gian nhằm giảm thiểu cú sốc kinh tế có thể xảy ra.

Hệ lụy tới nền kinh tế toàn cầu Theo tờ Thời báo Tài chính (FT), nếu lệnh cấm vận đối với dầu của Nga được đưa ra thì đây sẽ là một bước đi leo thang lớn trong phản ứng của phương Tây đối với Moscow về vấn đề khủng hoảng Ukraine và có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng Ethan Harris của Bank of America (BofA) – định chế ngân hàng lớn thứ 2 tại Mỹ, cho biết: "Nếu phương Tây cắt phần lớn xuất khẩu năng lượng của Nga thì đó sẽ là một cú sốc lớn đối với thị trường toàn cầu".

Ông ước tính việc Nga mất đi lợi nhuận của 5 triệu thùng dầu có thể khiến giá dầu tăng gấp đôi lên 200 USD / thùng và làm giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Hiện tại, khi thông báo chính thức áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Nga còn chưa được đưa ra, thị trường đã phản ứng ngay trước nguy cơ này. Đồng Euro tiếp tục trượt giá, giảm 3% vào tuần trước và xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020. Và hàng hóa của tất cả các nước đều tăng giá mạnh so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1915, theo BofA. Tuần trước, niken tăng 19%, nhôm 15%, kẽm 12% và đồng 8%, trong khi lúa mì giao theo kỳ hạn tăng 60% và ngô 15%.

Những biến động của thị trường và loạt động thái từ Nga (khóa van đường ống Yamal đưa năng lượng từ Nga sang Đức) và nguy cơ đáp trả bằng lệnh cấm vận dầu từ Mỹ và phương Tây cũng đang gia tăng nguy cơ lạm phát toàn cầu. Theo tờ Nikkei Asia, ngay tại nước Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tuần này dự kiến cũng sẽ tăng. Còn đối với châu Âu, với triển vọng tăng trưởng khu vực đang tối đi, cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tuần này được dự kiến sẽ khá khó khăn khi ra quyết sách về bức tranh chính sách chung của châu lục này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ