(Tổ Quốc) - Các chính trị gia Mỹ kêu gọi tìm thêm cách hạn chế ngành sản xuất chip Trung Quốc - ngành công nghiệp đang liên tục tăng trưởng và được cho là có thể đe dọa doanh số của các nhà sản xuất Mỹ.
Theo tờ Asia Times, chính phủ Mỹ nhận thấy việc gây sức ép với các nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc dễ dàng hơn là điều phối ngành công nghiệp của chính họ. Khi Đạo luật CHIPS vẫn bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng cảnh báo rằng các khoản đầu tư lớn của họ ở nước ngoài có thể gặp rủi ro, thì các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc được cho là đang được xúc tiến.
Quốc hội Mỹ đã tranh luận trong một năm rưỡi qua nhưng vẫn chưa nhất trí được nội dung văn bản của Đạo luật CHIPS ở Hạ viện và Thượng viện - đạo luật dự kiến cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp cho các công ty bán dẫn quốc tế và nội địa có đầu tư ở Mỹ.
Đồn đoán Mỹ gia tăng sức ép lên Hà Lan và Nhật Bản
Nhiều bản tin cho biết chính phủ Mỹ đang gây áp lực lên Hà Lan để chặn công ty ASML Holding NV bán công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc. Theo một số nguồn tin khác, chính phủ Nhật Bản cũng đang được Mỹ khuyến nghị cấm bán công nghệ sản xuất chip tương tự của Nikon cho Trung Quốc.
Thiết bị được đề cập là các công cụ in thạch bản cực tím (DUV), được sử dụng trong sản xuất hầu hết các chất bán dẫn. Kỹ thuật in thạch bản là công nghệ được sử dụng để chuyển các thiết kế bán dẫn, hoặc các mẫu mạch, từ bình quang sang bề mặt của tấm wafer để chế tạo chip.
Các lô hàng thiết bị cực tím (EUV) đến Trung Quốc từng bị cấm vận dưới thời chính quyền ông Trump. EUV, có bước sóng ngắn hơn DUV, được công ty điện tử TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chip với mẫu thiết kế 5 nanomet (nm) và 3 nm nhỏ nhất thế giới.
DUV có thể được sử dụng để sản xuất chip 7 nm, nhưng không hiệu quả bằng và điều này khiến SMIC của Trung Quốc, công ty đang cố gắng cạnh tranh với TSMC, bị tụt lại phía sau.
ASML là nhà sản xuất công cụ in thạch bản DUV hàng đầu thế giới và cũng là nhà sản xuất công cụ EUV duy nhất. Nikon không sản xuất công cụ EUV nhưng là nhà cung cấp công cụ DUV xếp thứ hai thế giới, trong đó nhà sản xuất chip của Mỹ là Intel là khách hàng lớn nhất. Canon của Nhật Bản cũng sản xuất các công cụ DUV, nhưng chúng không tiên tiến như của Nikon.
Không có công ty Mỹ nào sản xuất được công cụ DUV hoặc EUV. Cymer, một công ty Mỹ được ASML mua lại vào năm 2013, cung cấp nguồn ánh sáng cho EUV.
Việc ngăn cản cộng đồng quốc tế bán DUV cho Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể vào toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Dù động thái này sẽ không ngăn được Trung Quốc sản xuất các sản phẩm bán dẫn hiện nay nhưng sẽ gây khó khăn cho việc mở rộng sản trong giai đoạn tới.
Đối với những đề nghị của Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản có thể không chấp nhận áp lực của Mỹ. Cả hai đều mất nhiều thứ khi không bán hàng cho Trung Quốc.
Người phát ngôn của ASML nói với truyền thông rằng công ty "không biết về bất kỳ thay đổi chính sách nào" và nói thêm: "Cuộc thảo luận đã diễn ra từ lâu. Chưa có quyết định nào được đưa ra, và chúng tôi không muốn suy đoán hay bình luận về những tin đồn". Còn Nikon chưa đưa ra bình luận.
Sức nặng của thị trường Trung Quốc
Theo dữ liệu từ hiệp hội ngành công nghiệp SEMI, doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn (SPE) cho khách hàng ở Trung Quốc đã tăng 58% vào năm 2021, chiếm 29% doanh số bán hàng trên toàn thế giới. Con số đó bao gồm cả doanh số bán hàng cho các công ty không phải của Trung Quốc nhưng có nhà máy ở Trung Quốc.
Còn doanh số SPE cho khách hàng ở Hàn Quốc và đảo Đài Loan cũng lần lượt tăng 55% và 45% trong năm ngoái, mỗi bên chiếm 24% tổng doanh số. Tình hình này khiến Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu và phần còn lại của thế giới chỉ chiếm 23% còn lại.
Từ 2016- 2021, doanh số SPE cho khách hàng ở Trung Quốc đã tăng gấp 4,6 lần, bao gồm cả thiết bị đã qua sử dụng. Trung Quốc cũng là khách hàng mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới trong cả năm 2020 và 2021.
Các chính trị gia Mỹ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc đang nổi giận. Nghị sĩ bang Texas Michael McCaul nói với báo chí: "Nếu chính quyền ông Biden nghiêm túc về việc đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Mỹ và các nước đồng minh và đối tác, thì không có lý nào lại để Trung Quốc mua và tích trữ nguồn cung cấp công cụ và thiết bị để tạo ra chất bán dẫn".
Tuy nhiên, chính Quốc hội Mỹ mới là bên đang khiến quá trình đưa ra chính sách bị chậm trễ và việc Trung Quốc tăng cường khả năng sản xuất chất bán dẫn cũng chỉ mới vượt xa nhu cầu một chút.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường IC Insights, các chất bán dẫn được sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2021 trị giá 31,2 tỷ USD, trong đó 12,3 tỷ USD do các công ty Trung Quốc sản xuất. Phần còn lại đến từ các công ty nội địa của TSMC, Samsung, Intel và các công ty nước ngoài khác.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tiêu thụ lượng chất bán dẫn trị giá 186,5 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 36,5% thị trường thế giới. Chỉ 17% nhu cầu chất bán dẫn của Trung Quốc được đáp ứng từ hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và chỉ 7% bởi chính các công ty Trung Quốc. Những con số này có thể sẽ tăng lên, nhưng thực tế là Trung Quốc vẫn là một thị trường to lớn cho các nhà sản xuất chip toàn cầu.
Số liệu của SEC cũng cho thấy sáu công ty hàng đầu của Mỹ là Qualcomm, Intel, Texas Instruments, Broadcom, Nvidia và Micron đã bán tổng cộng 75,6 tỷ USD chất bán dẫn tại Trung Quốc vào năm 2021.
Và hiện tại, nếu các lô hàng công cụ in thạch bản DUV của Hà Lan và Nhật Bản đến Trung Quốc bị dừng lại, thì các lô hàng SPE của Mỹ đến Trung Quốc cũng sẽ gặp rủi ro.
Khi Mỹ trừng phạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, các nhà cung cấp chất bán dẫn và SPE của Mỹ cũng đã thua thiệt về kinh doanh. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế đang hiện hữu, nếu Mỹ tăng cường các biện pháp mạnh đối với ngành chip Trung Quốc thì chính họ có thể bị ảnh hưởng, trong khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi chính sách thay thế nhập khẩu, có thể sẽ tiếp tục phát triển.