(Tổ Quốc) - Quyết định của Lầu Năm Góc trong việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan có thể sẽ gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis vẫn dự kiến sẽ đến thăm Bắc Kinh bất chấp việc vừa chỉ trích Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Quyết định của Lầu Năm Góc trong việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan có thể sẽ gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngay cả khi nhiều nguồn tin cho biết, chuyến thăm đã được dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis đến Bắc Kinh vẫn được tiếp tục thực hiện.
Theo các nhà quan sát quân sự Trung Quốc, Mỹ đã gửi tín hiệu những tín hiệu không đồng nhất về chính sách với Đài Loan. Một mặt, dường như Washington sẽ không cử bất kỳ quan chức cấp cao nào đến tham dự lễ khai trương Viện Mỹ mới - một cơ sở đại diện ngoại giao tại Đài Bắc vào ngày 12/ 6 nhằm tránh làm Bắc Kinh tức giận, thì mặt khác, Mỹ vẫn đang xem xét kế hoạch gửi tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và gia tăng các thương vụ vũ khí với hòn đảo này.
Giữa những tín hiệu bối rối như vậy, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) rằng, ông Mattis sẽ thăm Bắc Kinh trong năm nay. Một nguồn tin thứ hai, cũng thân cận với vấn đề này, xác nhận rằng việc chuẩn bị cho chuyến đi của Mattis đã được xúc tiến bởi cả hai bên.
Mỹ phản ứng mạnh trước sức mạnh Trung Quốc tại khu vực
Tại một hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực ở Singapore vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã thể hiện một lập trường cứng rắn về Trung Quốc. Ông không chỉ chỉ trích các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, mà còn tuyên bố sẽ tiếp tục cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan bằng cách cung cấp "các thiết bị và dịch vụ quốc phòng cần thiết để duy trì khả năng phòng vệ đầy đủ của hòn đảo".
Mỹ đang cân nhắc thay đổi cách tiếp cận quân sự với Đài Loan. |
Ông Mattis cũng nói rằng ông sẽ sớm đến thăm Bắc Kinh theo lời mời của Trung Quốc, và Washington sẽ tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ xây dựng, mang tính định hướng kết quả với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Reuters ngày 5/6 lại đưa tin rằng, Mỹ đang xem xét việc gửi một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Các quan chức Mỹ cho biết họ thậm chí đã xem xét kế hoạch đưa một tàu sân bay Mỹ tới đây trong năm nay, nhưng cuối cùng đã không theo đuổi hành động này, có thể là vì không muốn Trung Quốc tức giận.
Lần cuối cùng một tàu sân bay của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là vào năm 2007, trong thời gian chính quyền của Tổng thống George W. Bush, và một số quan chức quân sự Mỹ tin rằng động thái này là quá mạnh mẽ.
Một lựa chọn ít căng thẳng hơn sẽ là nối lại hoạt động của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan định kì, nhưng không thường xuyên. Lần cuối tàu chiến Mỹ đi qua eo biển này là vào tháng 7/2017.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi Mỹ giải quyết thận trọng vấn đề Đài Loan để tránh làm tổn hại đến quan hệ song phương và hòa bình, ổn định trong vùng eo biển Đài Loan.
"Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi quan trọng và nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ", bà Hoa Xuân Oánh cho biết trong một cuộc họp báo thường kì ngày 5/6.
Bản tin trên của Reuters cũng cho biết Washington đang xem xét thay đổi cách tiếp cận của họ đối với việc bán vũ khí cho Đài Loan dựa theo từng trường hợp nhất định, điều phù hợp hơn với nhu cầu phòng vệ của hòn đảo này.
Cân bằng nhạy cảm Mỹ - Trung
Về vấn đề liệu Mỹ có gửi bất kỳ quan chức cấp cao nào tới lễ việc khai trương Viện Mỹ mới ở Đài Loan vào tuần tới hay không, Reuters trích lời các quan chức nói rằng, dường như khả năng này không cao vì thời gian gần như trùng với thượng đỉnh dự kiến giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un.
Liu Lin – một chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc nói rằng, Mỹ đang cố gắng đạt được sự cân bằng tinh tế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc.
"Mỹ đang gửi đi những tín hiệu khác nhau", Liu nói. "Một mặt, họ (Mỹ) muốn tăng sức ép và thử phản ứng của Bắc Kinh, nhưng mặt khác, họ cũng không muốn khiêu khích hay vượt qua bất kỳ lằn ranh đỏ nào."
Nếu chuyến thăm của ông Mattis tiếp tục được xúc tiến, điều này sẽ là động thái tích cực cho quan hệ song phương, bà Liu nói. "Nó có nghĩa là cánh cửa liên lạc không bị đóng cửa, và hai bên vẫn không từ bỏ việc duy trì đối thoại."
Liu nói thêm rằng, trong khi ông Mattis có thể sẽ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề như tranh chấp Biển Đông và Đài Loan, chuyến thăm của ông có thể giúp giảm bớt căng thẳng giữa quân đội của hai bên sau khi Lầu Năm Góc rút lời mời Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận hải quân đa phương RIMPAC.
Alexander Tan, một chuyên gia về chính trị Đài Loan và các vấn đề quốc tế tại Đại học Canterbury ở New Zealand, nói rằng không chắc Mỹ sẽ cử một quan chức cao cấp đến khai mạc Viện Mỹ mới tại Đài Bắc vì Nhà Trắng có quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
"Động thái trên (cử quan chức Mỹ đến dự khai mạc) không chỉ là một tín hiệu rất mạnh cho Trung Quốc, mà cũng là một dấu hiệu cực mạnh đến Đài Loan," ông nói. "Mối quan hệ song phương thực sự khá nhạy cảm,... Mỹ phải rất cẩn trọng."
Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, nói rằng nếu Mỹ thay đổi cách tiếp cận vũ khí với Đài Loan, và chọn gửi tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, động thái này có thể khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh.
“Việc Mỹ có gửi đại diện cấp cao [tới lễ khai mạc trên] hay không không phải là vấn đề chính” và "kế hoạch của Mỹ nhằm thay đổi cách tiếp cận quân sự sang Đài Loan mang tính nhạy cảm hơn nhiều, và điều đó có thể kích thích Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực," ông Li Jie nhận định.