• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tung hàng loạt động thái mới ở Thái Bình Dương

Thế giới 13/07/2022 13:25

(Tổ Quốc) - Phát biểu tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương tại Fiji, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết Mỹ sẽ mở các đại sứ quán mới ở Tonga và Kiribati và cử một phái viên đến khu vực này.

Mỹ đã tiết lộ một chiến lược mới nhằm thể hiện sự ưu tiên đối với các quốc gia Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của mình. Đây là một động thái nhằm xoa dịu những lo ngại về biến đổi khí hậu và tăng cường phát triển khu vực, đồng thời cũng nhằm cạnh tranh với sức ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc tại khu vực này.

Liên tục tăng cường sự kết nối với các quốc đảo Thái Bình Dương

Trong một bài phát biểu tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương tại Fiji vào thứ Tư, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố nhiều cam kết mới, bao gồm kế hoạch mở thêm đại sứ quán tại đây. Trước đó, các nhà lãnh đạo khu vực và các quan chức ngoại giao các bên đã gặp nhau tại Suva kể từ hôm thứ Hai.

Mỹ tung hàng loạt động thái mới ở Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương ở Suva, Fiji ngày 13/7. Ảnh: SCMP/AFP.

"Chúng tôi nhận ra rằng trong những năm gần đây, các đảo ở Thái Bình Dương có thể đã không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ ngoại giao mà các bạn đáng được nhận. Vì vậy, hôm nay tôi ở đây để nói trực tiếp với bạn, chúng tôi sẽ thay đổi điều đó", bà Harris nói trong bài phát biểu của mình.

Phó Tổng thống Mỹ cũng thông báo nước này sẽ bổ nhiệm một phái viên được chỉ định phụ trách Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương để tăng cường hơn nữa dấu ấn ngoại giao của họ trên khắp khu vực, cũng như mở các đại sứ quán mới ở Kiribati và Tonga. Đây là một động thái mới cùng với một đại sứ quán khác của Mỹ tại Quần đảo Solomon hiện đang trong quá trình mở cửa trở lại.

Bà Harris hôm thứ Tư cũng đã công bố kế hoạch gia tăng tài trợ lên tới 60 triệu USD mỗi năm cho các dự án ở Thái Bình Dương, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu, chống đánh bắt tài nguyên biển bất hợp pháp và đầu tư vào bảo tồn biển. Tuy nhiên, khoản tài trợ mới này cần phải được Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Hiện tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương sẽ kéo dài trong 4 ngày, trong đó các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ thảo luận về cách thu hút sự ủng hộ của quốc tế hơn nữa đối với sự phát triển và chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đã phần nào bị lu mờ khi Kiribati trước đó tuyên bố rút khỏi tổ chức các quốc gia khu vực với lí do là có sự tranh cãi về vấn đề lãnh đạo trong khối.

Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho biết thỏa thuận mới lần này sẽ nằm trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Fiji vào tháng 5 đã cùng với Mỹ tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trở thành quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên làm như vậy. Trong bài phát biểu của mình, bà Harris cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng lại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ ở Fiji và đưa các tình nguyện viên của Quân đoàn hòa bình trở lại một số quốc gia.

Cạnh tranh sức ảnh hưởng giữa các siêu cường

Phó tổng thống là quan chức cấp cao mới nhất của Mỹ thể hiện tinh thần hợp tác với khu vực này. Washington đang cùng các nước như Australia và New Zealand khẩn trương tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực quan trọng chiến lược kể trên. Trong khi Washington cho rằng khu vực này đã bỏ bê quan hệ của họ trong những năm gần đây thì họ đã bất ngờ trước ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây sau khi kí kết hiệp ước với quần đảo Solomon.

Theo nhận định của tờ SCMP, trong khi Mỹ và Australia muốn tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương vì cả giá trị kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi Trung Quốc mong muốn giành được sự ủng hộ của các quốc gia đang phát triển ở đây nhằm tăng cường chương trình ngoại giao của họ trên toàn cầu và củng cố vị thế của nước này đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm 8 ngày tới Thái Bình Dương vào tháng 5 để ký kết các thỏa thuận kinh tế với một số quốc gia và thể hiện tinh thần hợp tác với khu vực này. Bình luận về việc Kiribati rút khỏi tổ chức các quốc đảo Thái Bình Dương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ: "Trong nhiều năm, Trung Quốc và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương đã có quan hệ hợp tác tốt đẹp. Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương và hy vọng thấy được sự đoàn kết hơn và hợp tác chặt chẽ hơn giữa họ vì sự phát triển chung".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ