• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tung thêm đòn trừng phạt vào Iran: Khó xoay chuyển đàm phán hạt nhân?

Thế giới 17/06/2022 11:24

(Tổ Quốc) - Hôm thứ Năm, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng mạng lưới các công ty Iran được cho là đã giúp xuất khẩu hóa dầu của Iran. Theo Reuters, động thái này có thể là nhằm gây áp lực lên Tehran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai công ty có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), ba công ty ở Iran và bốn công ty ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng như đối với công dân Trung Quốc có tên Jinfeng Gao và công dân Mohammed Shaheed Ruknooddin Bhore, quốc tịch Ấn Độ.

Bộ Tài chính Mỹ nêu tên các công ty có trụ sở tại Hồng Kông là Keen Well International Ltd và Teamford Enterprises Ltd và các công ty có trụ sở tại Iran là Công ty hóa dầu Fanavaran, Công ty hóa dầu Kharg và Công ty hóa dầu Marun.

Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt kê bốn công ty có trụ sở tại UAE là Future Gate Fuel, Petrochemical Trading LLC, GX Shipping FZE, Sky Zone Trading FZE và Youchem General Trading FZE.

Tất cả tài sản và tài chính của các công ty này nếu nằm tại khu vực thuộc quyền tài phán của Mỹ đều bị phong tỏa và những người giao dịch chúng cũng có thể bị xử phạt trong một số trường hợp.

Đánh giá tính hiệu quả của trừng phạt?

"Mỹ đang theo đuổi con đường ngoại giao có ý nghĩa để cả hai bên cùng quay lại tuân thủ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA)", Thứ trưởng Bộ Tài chính về Khủng bố và Tình báo Tài chính Brian Nelson cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Mỹ tung thêm đòn trừng phạt vào Iran: Khó xoay chuyển đàm phán hạt nhân? - Ảnh 1.

Mỹ đang nhắm đến ngành công nghiệp hóa dầu của Iran. Ảnh: SCMP.

Theo hiệp ước này, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình xuống dưới mức phát triển được vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Các đòn trừng phạt này đã khiến nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Iran bị bóp nghẹt.

Tuy nhiên cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 và khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này đã dấy lên sự đáp trả từ Iran, nước này bắt đầu dần phá vỡ các cam kết hạt nhân vào khoảng một năm sau đó. Các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận này cho đến nay chưa có tín hiệu thành công.

"Nếu không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các cơ quan trừng phạt của mình để hạn chế xuất khẩu xăng dầu, các sản phẩm dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu từ Iran", ông Nelson nói.

Từ Tehran, Thứ trưởng Ngoại giao kinh tế Iran bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới, nói rằng chúng không có hiệu quả.

"Ngành công nghiệp hóa dầu của chúng tôi và các sản phẩm của nó từ lâu đã bị trừng phạt, nhưng doanh số bán hàng của chúng tôi vẫn tiếp tục thông qua nhiều kênh khác nhau và sẽ tiếp tục như vậy", ông Mehdi Safari nói với kênh truyền hình nhà nước Iran.

Khó mang lại hi vọng cho thỏa thuận hạt nhân

Henry Rome, phó trưởng bộ phận nghiên cứu của đơn vị tham vấn Eurasia Group, cho biết các biện pháp trừng phạt có thể là nhằm mục đích tăng sức ép lên Iran và làm giảm bớt lập trường chỉ trích từ nội bộ nước Mỹ, những người cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không kiềm chế được chương trình hạt nhân của Iran.

"Washington có khả năng nhắm đến việc gia tăng cái giá phải trả cho Iran nếu nước này tiếp tục thực hiện một kịch bản không có thỏa thuận, đồng thời làm giảm bớt những lời chỉ trích cả trong và ngoài nước Mỹ rằng họ đang thờ ơ với vấn đề Iran", chuyên gia Rome nói. Ông cũng bình luận thêm rằng bất kỳ hành động trừng phạt đơn lẻ nào cũng không thể thay đổi suy nghĩ ở Iran và kể cả Trung Quốc không có một chiến lược rộng lớn hơn.

"Trên thực tế, Tehran có thể tính toán rằng với tình hình thị trường dầu mỏ và áp lực lạm phát toàn cầu, một chiến dịch phối hợp của Mỹ nhằm làm sụp đổ xuất khẩu năng lượng của Iran xuống mức dưới thời ông Trump sẽ không thể diễn ra trong thời gian tới", Rome nói thêm.

Behnam Ben Taleblu, một thành viên cấp cao tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) – một tổ chức tham vấn chính sách có lập trường cứng rắn tại Mỹ, cho rằng các biện pháp trừng phạt này là "quan trọng về mặt chính trị và kinh tế". Nhưng ông cũng cho rằng chúng "không thể có tác dụng hoàn toàn, ngay cả khi chính quyền của ông Biden chỉ đang tìm kiếm mục tiêu đã nêu là đạt được thỏa thuận hạt nhân".

Hiệp ước hạt nhân JCPOA dường như đã gần hồi sinh vào tháng 3 nhưng các cuộc đàm phán đã bị chững lại sau khi Tehran yêu cầu Mỹ đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này, lực lượng kiểm soát các lực lượng vũ trang và tình báo mà Washington cáo buộc là một chiến dịch khủng bố toàn cầu, ra khỏi danh sách Tổ chức Khủng bố Nước ngoài của Mỹ. Washington không chấp nhận điều kiện này.

Hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã kêu gọi Iran "chấm dứt các hoạt động khiêu khích" và cho biết Mỹ chờ đợi một "phản ứng mang tính xây dựng từ người Iran…, bỏ lại những vấn đề không liên quan" đến thỏa thuận hạt nhân.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ