(Tổ Quốc) - Vào ngày 31/10, các nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra một đề xuất luật lưỡng đảng ủng hộ Sáng kiến Ba vùng biển (3SI), nhằm đối phó với sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga ở châu Âu.
Đạo luật lưỡng đảng được nghị sĩ đảng Dân chủ Marcy Kaptur và đảng Cộng hòa Adam Kinzinger đề xuất.
Chính trường Mỹ lên tiếng
3SI là "kênh về đối tác chiến lược của mười hai quốc gia Trung và Đông Âu với mục tiêu chung là thúc đẩy tự chủ và tự phục vụ về năng lượng thông qua tài trợ tập thể cho các dự án cơ sở hạ tầng mới, tăng kết nối giữa Biển Adriatic, Baltic và Biển Đen, và giảm sự phụ thuộc vào Nga đối với nhu cầu năng lượng của họ.
Các thành viên của sáng kiến tiềm năng này bao gồm Áo, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia.
"Trong nhiều năm, Nga đã làm xói mòn an ninh ở châu Âu bằng cách gây sức ép các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào Nga vì nhu cầu năng lượng của họ, bao gồm việc sử dụng các đường ống Nord Stream II và Turk Stream. Rất may, mười hai đồng minh thân thiết của chúng tôi ở Trung và Đông Âu đã cùng nhau tăng cường tự chủ năng lượng thông qua tài trợ tập thể cho các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng: Sáng kiến Ba Biển. Nghị quyết này cho thấy rõ ràng sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ cho Sáng kiến này và khuyến khích các quốc gia thành viên xem xét tài trợ cho các dự án năng lượng sạch trong bối cảnh thế giới giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Giờ đây, khi các nhà chức trách Đan Mạch đã phê duyệt đường ống Nord Stream II, chúng ta phải hành động nhanh chóng để tăng cường an ninh năng lượng cho các đồng minh châu Âu bằng cách thông qua đạo luật quan trọng này cũng như xử phạt đường ống trên. Tôi muốn cảm ơn đồng nghiệp của tôi, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger vì vai trò lãnh đạo quan trọng của anh ấy, và nỗ lực củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông qua dự luật này"- Kaptur nói.
Còn Kinzinger cho biết: "Nga từ lâu đã sử dụng năng lượng như một vũ khí để ép buộc và thao túng các đồng minh châu Âu của chúng ta. Khi sản xuất năng lượng của Mỹ tiếp tục tăng, chúng tôi có cơ hội hỗ trợ các đồng minh của mình ở Trung và Đông Âu. Sáng kiến Ba vùng biển sẽ tăng cường sự độc lập về năng lượng và an ninh cơ sở hạ tầng trong khu vực, và tiếp tục cho thấy sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc gia tăng đối với các quốc gia này".
Dự luật này nêu rõ sự ủng hộ cho Sáng kiến Ba vùng biển nên được thực hiện trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, tập trung vào việc mở rộng sự tự chủ về năng lượng và sự kết nối cơ sở hạ tầng góp phần tăng cường an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và Châu Âu.
Trong văn bản này, Kaptur lưu ý rằng, do thiếu cơ sở hạ tầng, các quốc gia tiềm tàng tham gia Sáng kiến trên quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên năng lượng của Nga. Họ cũng trích dẫn các dự án Nord Stream 2 và Turk Stream, coi chúng có mục đích chính trị và nhằm mục đích phá hoại an ninh năng lượng của Châu Âu.
Châu Âu kêu gọi Mỹ
Về phần mình, Nga đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị, đồng thời nhấn mạnh rằng các đường ống dẫn khí chỉ là các dự án thương mại.
Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Hoa Kỳ ngừng chính trị hóa Nord Stream 2. Cơ quan này nhấn mạnh rằng việc ra mắt đường ống dẫn khí trên sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu.
Sáng kiến 3 Vùng biển được khơi dậy từ năm 2016 và kể từ đó đã có bốn hội nghị thượng đỉnh hàng năm, lần đầu tiên là ở Dubrovnik, Croatia.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi sáng kiến này là một khái niệm mới nhằm thúc đẩy sự thống nhất và gắn kết của Châu Âu, với ý tưởng hợp tác giữa 12 quốc gia nằm giữa Biển Adriatic, Baltic và Biển Đen, ba vùng biển của Trung Âu.
Các vị khách mời bao gồm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Haixing, người đã nói về mối liên hệ với Sáng kiến Vành đai và con đường BRI của chính phủ Trung Quốc và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Tướng James L. Jones, người nhấn mạnh vai trò chủ động trong phát triển và an ninh châu Âu.
Điều này cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng cho phép các nước này hợp tác với Trung Quốc và BRI, chỉ với mục đích là đối phó Nga. Hay đúng hơn, vấn đề đối phó với BRI sẽ được tiến hành sau khi giải quyết mối lo từ Nga.
Đầu tháng 10/2019, ông Duda bày tỏ hy vọng rằng, "Hoa Kỳ sẽ tham gia dự án tuyệt vời của chúng tôi".
Trong khi đó, Kaptur cũng kêu gọi các quốc gia trong Sáng kiến Ba vùng biển mở rộng khái niệm tăng cường khả năng tương thích của cơ sở hạ tầng khu vực để đưa các quốc gia ngoài EU vào khu vực. Cụ thể, nghị quyết nêu tên Ukraine, Moldova, và cả các quốc gia thuộc Tây Balkan.
Về cơ bản, với việc Ba Lan kêu gọi Hoa Kỳ tham gia dự án, đất nước thân thiết hàng đầu với Washington tại Châu Âu này đang cố gắng củng cố sức ảnh hưởng của Mỹ đối với thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Âu.
Điều đáng chú ý là trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan, Jacek Chaputovych, đã lưu ý rằng bây giờ chưa thể chấp nhận Ukraine vào Sáng kiến này.
"Tôi đã thảo luận về ý tưởng hợp tác với Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky hỏi liệu Ukraine có thể tham gia Sáng kiến Ba vùng biển hay không. Điều này là không thể trong giai đoạn này, bởi vì tư cách thành viên chỉ giới hạn ở các nước EU", theo ông Jacek.
Theo trang SouthFront, cũng chỉ là vấn đề thời gian nếu Sáng kiến này chuyển thành một dự án chống Nga và chủ yếu bị định hướng theo chính sách của Washington.