(Tổ Quốc)- Hàng loạt thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ và Philippines được sử dụng trong cuộc tập trận chung trên Biển Đông.
(Tổ Quốc)- Hàng loạt thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ và Philippines được sử dụng trong cuộc tập trận chung trên Biển Đông.
Diễn ra từ 4/4, cuộc tập trận chung Balikatan năm nay có sự tham dự của khoảng 10.000 lính Mỹ và Philippines, kéo dài đến 15/4 tại các khu vực khác nhau ở gần Biển Đông.
Buổi lễ khai mạc cuộc tập trân Balikatan 2016. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Balikatan bao gồm các cuộc tập trận chống khủng bố, như lực lượng Abu Sayyaf của Philippines, hoạt động diễn tập nhằm tái chiếm và bảo vệ lãnh thổ trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông đang gia tăng. Tuy nhiên, quan chức Mỹ và Philippines đều nhấn mạnh rằng, Balikatan không nhằm vào quốc gia cụ thể nào.
Ngày 28/3, một số lượng lớn các xe, thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ như xe Humvee, xe tải, xe jeep… đã tới sân bay quốc tế ở Vịnh Subic để chuẩn bị cho cuộc tập trận. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ trực tiếp quan sát hoạt động tập trận.
Các thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ tại Vịnh Subic. (Nguồn: Internet)
Ít nhất 55 máy bay chiến đấu của Mỹ, gồm Osprey và các máy bay vận tải C-130 cùng các chiến đấu cơ của Philippines sẽ hiện diện tại các khu vực diễn tập của Balikatan.
Chiến đấu cơ V-22 Osprey, tích hợp khả năng của cả máy bay trực thăng và máy bay cánh quạt, được lắp đầy đủ các thiết bị điện tử hỗ trợ phi công, từ bản đồ màu kỹ thuật số, vali chiến tranh để nhận diện tên lửa đối phương cho đến hệ thống radar và tia laser. Về vũ khí, V-22 được trang bị một súng máy M240, một súng nòng xoay đạn 7,62 ly và một tháp pháo gắn phía bụng để sử dụng trong các trường hợp phải chiến đấu.
Các máy bay C-130 tại căn cứ ở thành phố Pasay, Philippines. (Nguồn: EPA)
Mang các máy bay C-130 đến Balikatan, Mỹ cũng đã chuyển giao cho Philipines hai chiếc máy bay vận tải C-130T, vẫn có khả năng tiếp dầu trên không ngày 6/4. Các máy bay C-130T này sẽ gia nhập cùng 2 chiếc máy bay vận tải C-130B và một chiếc C-130H hiện có trong biên chế.
Trước đó, ngày 5/4, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã phô diễn khả năng của hệ thống pháo, tên lửa cơ động cao M142/High Mobility Artillery Rocket System (HIMARS) tại Crow Valley, Capas, Tarlac.
HIMARS M142 phóng tên lửa ngày 5/4 tại Crow Valley, Capas, Tarlac. (Nguồn: Philstar)
Theo Celeste Frank Sayson, phát ngôn viên của cuộc tập trân Balikatan cho biết Mỹ đã bắn sáu quả đạn sử dụng nguyên liệu không phát nổ từ HIMARS M142 với tầm bắn chỉ 15 km để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung vào ngày 14/4.
Xe phóng chiến thuật của HIMARS M142 (Nguồn: Internet)
Hệ thống này được bố trí trên xe phóng chiến thuật có khả năng cơ động cao, nhanh. Mỗi xe phóng HIMARS M142 được bố trí 1 bệ gồm 6 ống phóng tên lửa. Mỗi quả đạn tên lửa HIMARS M142 có chứa khoảng 300 quả đạn phụ chống bộ binh với kích cỡ to bằng 1 quả bóng chày (đạn M72). Hệ thống HIMARS M142 có thể phát hiện, khóa mục tiêu trong vòng 16 giây.
Với tầm bắn tối đa 300 km, HIMARS được coi là một trong những vũ khí gây chết người có khả năng cơ động trên thực địa. Hiệu quả của nó đã được chứng minh khi quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng HIMARS tại Philippines. Sayson cho biết quân đội Philippines, những người đã quan sát cuộc diễn tập đã rất ấn tượng với người Mỹ khi phô diễn sự "cơ động" của HIMARS. Ông Sayson cũng cho biết vũ khí này "rất phù hợp cho một quốc đảo như chúng ta."
"Chúng tôi cần các thiết bị có tính cơ động cao," ông giải thích và nói thêm rằng, rất có khả năng là HIMARS sẽ là một phần trong kho vũ khí của Philippines trong tương lai.
Nhiều vũ khí mới của Philippines cũng được đưa vào thử nghiệm tại Balikatan năm nay như các tàu đổ bộ lớp Balikpapan được Hải quân Australia cung cấp.
Tàu đổ bộ lớp Balikpapan (Nguồn: Internet)
Tàu đổ bộ lớp Balikpapan dài 44,5 m, rộng hơn 10m, độ choán nước 517 tấn, vận tốc 18,5 km/giờ, tầm hoạt động hơn 5.500 km và được trang bị 2 súng máy 12,7 mm. Tàu có thể chở 13 binh sĩ, 3 xe tăng hạng trung hoặc tương đương.
Các vũ khí khác được dự kiến sẽ tham gia vào cuộc tập trận như các xe bọc thép M113 dùng để vận chuyển binh lính, và đặc biệt là các máy bay huấn luyện chiến đấu FA-50 và các tàu hậu cần được Mỹ cung cấp.
Hai chiếc FA-50 001 và 002 hiện đại của Philippines cũng được sử dụng tại Balitakan. (Nguồn: Internet)
Philippines đã đặt hàng 12 chiếc FA-50 siêu thanh, hiện đại nhất từ Hàn Quốc và hai chiếc đầu tiên đã được giao vào tháng 12/2015, số máy bay còn lại sẽ được giao tiếp trong năm 2016 và 2017.
FA-50 là một phiên bản nâng cấp từ F-12 của Mỹ nhưng được bổ sung thêm chức năng chiến đấu. FA-50 vừa huấn luyện vừa chiến đấu có thể chở 4,5 tấn vũ khí, trong đó có tên lửa không đối không và không đối đất, súng máy và bom định hướng có độ chính xác cao, theo Rappler.
An Bình (Tổng hợp)