• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục so găng về thương mại

Thế giới 27/09/2018 08:00

(Tổ Quốc) - Hai luồng ý kiến ở Trung Quốc: Tự tin và lo ngại về cuộc đối đầu thương mại.

Loạt trừng phạt mới đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc mà chính quyền Mỹ thông báo tuần trước chính thức có hiệu lực vào ngày 24/9.

Để trả đũa, ngoài áp thuế trên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, Bắc Kinh đã công bố sách trắng 36.000 từ, tố cáo những phương pháp côn đồ” của Mỹ và nhằm làm rõ sự thật về “quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ”. Trong cuộc đọ sức thương mại đang diễn ra gay gắt, Chính quyền Mỹ Donald Trump tin chắc vào chiến thắng. Tuy nhiên, ngay tại Mỹ, ngày càng có nhiều tiếng nói bày tỏ lo ngại về hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc tỏ ra tự tin. Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu cho rằng có thể tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm bớt 1% nhưng điều đó không phải là quá kinh khủng. Ông ta cho rằng Washington sẽ sớm nhận ra rằng các nhà sản xuất điện thoại và ô tô của Mỹ sẽ không tồn tại nổi nếu thiếu khách hàng Trung Quốc và  chừng nào Trung Quốc còn mở rộng được thị trường và tăng trưởng thì Trung Quốc sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này. Một nhà đầu tư tư nhân có tham gia làm cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng người Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột thương mại kéo dài; người Trung Quốc chịu đựng tốt hơn vì họ đã từng nghèo khó rất lâu.

Ngày 24/9, Tổng thống Trump tuyên bố việc đánh thuế 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực.

 

Trung Quốc đang đối mặt với một nước Mỹ mới. 40 năm Mỹ và Trung Quốc đã gây dựng được một quan hệ kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới và cùng nhau giải quyết những vấn đề như an ninh khu vực, chống khủng bố và biến đổi khí hậu… Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình đóng vai trò một đối tác khiêm nhường, không bộc lộ tham vọng, tránh xung đột với một nước Mỹ mạnh hơn rất nhiều. Nhưng ngày nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đang lãnh đạo một nền kinh tế cạnh tranh với Mỹ và công khai thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ. Đến nay, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đã quay lại chỉ trích tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở châu Á, sự hiếu chiến ở các vùng biển tranh chấp và việc đàn áp người thiểu số cũng như các chính sách thương mại không công bằng nhằm thống lĩnh các ngành công nghiệp tương lai.

Những ý kiến lo ngại

Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện một bước chuyển hướng căn bản, gọi Trung Quốc là một “thế lực xét lại” và “đối thủ chiến lược”. Quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi trong những tháng gần đây và nhiều người Trung Quốc đang tự hỏi liệu họ đã thực sự sẵn sàng để đối đầu với một đất nước hùng mạnh nhất thế giới hay chưa.

Nhiều người Trung Quốc rất lo lắng và đã thúc giục lãnh đạo Trung Quốc nắm bắt thời cơ để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng mở cửa hơn và phát triển khu vực tư  nhân thay vì dựa vào khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ quay lại tình trạng bế tắc trong cô lập dưới thời Mao Trach Đông. Nhiều người khác cũng cho rằng Trung Quốc lẽ ra đã tránh được sự thù địch của Mỹ nếu ban lãnh đạo tiếp tục chính sách “giấu mình chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình đề ra. Hai chương trình đầy tham vọng là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và “Made in China 2025”, đều bị Tổng thống Trump chỉ trích.

Yun Sun, một nhà phân tích của Trung tâm Stimson, cho rằng Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu đề ra mà không cần phải tỏ ra kiêu căng như vậy. Nhiều ý kiến lo lắng rộ lên trên mạng xã hội ở Trung Quốc về những tác động của xung đột thương mại cũng như sự tức giận về việc chính phủ đã đầu tư quá nhiều ra bên ngoài thông qua BRI trong khi Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề trong nước.

Nhìn từ nhiều góc cạnh, trước việc quan hệ với Mỹ xấu đi nhanh chóng, giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng hơn.

Theo giới học giả Trung Quốc, tuy Bắc Kinh dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu Mỹ nhưng dường như họ chưa nhận ra rằng sự thù địch đối với Trung Quốc ở Washington là mang tính lưỡng đảng và rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ trước đây ủng hộ quan hệ với Trung Quốc giờ đang chuyển sang đồng tình với các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc. Trước đây, các tổng thống Mỹ thường tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trước khi nhậm chức nhưng sau đó tìm kiếm hợp tác sau khi nhận thức được hai nước cần có nhau. Nhưng Tổng thống Trump đã khiến họ bất ngờ khi không đi theo hướng đó.

Jiangqun, Giám đốc Trung tâm Mỹ thuộc Học viện Quốc tế Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cần chấp nhận thực tế mới và xung đột hiện nay có thể là khởi đầu của một cuộc chiến lâu dài để giữ được vị thế một nước lớn./.

 (Bài tiếp theo: Đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Người hưởng lợi, kẻ thiệt hại)

(Theo báo Mỹ và Trung Quốc)

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ